VN-Index giữ vững đà tiến, phái sinh tiệm cận vùng cản 1.620 điểm

Thị trường giữ quán tính tăng với động lực từ dòng tiền chủ động và nhóm vốn hóa lớn. VN-Index được kỳ vọng sẽ tiến lên vùng 1.480–1.500 điểm trong những phiên tới...

VN-Index giữ vững đà tiến, phái sinh tiệm cận vùng cản 1.620 điểm

Sau tuần giao dịch thăng hoa, đặc biệt là cú bứt phá lịch sử của nhóm VN30 vượt đỉnh mọi thời đại, thị trường mở phiên đầu tuần mới với tâm lý tích cực lan tỏa. Ngay từ đầu phiên, VN-Index và VN30 tiếp tục tạo khoảng trống tăng giá, lần lượt vươn lên 1.474 điểm và 1.616 điểm. Dù áp lực chốt lời khiến thị trường rung lắc mạnh trong phiên, lực cầu vẫn duy trì tốt, đặc biệt tại nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Chốt phiên ngày 14/7, VN-Index tăng 12,66 điểm (+0,87%) lên 1.470,42 điểm, áp sát vùng cản 1.480 điểm. VN30 cũng ghi nhận thêm 11,65 điểm (+0,73%) lên 1.605,66 điểm, vượt rõ rệt đỉnh cao nhất từ tháng 11/2021 quanh 1.587 điểm.

Thị trường thể hiện độ rộng tích cực với 206 mã tăng giá trên HOSE, tập trung tại nhóm bất động sản vốn hóa nhỏ và trung bình, khu công nghiệp, xây dựng và điện. Trong khi đó, 117 mã giảm giá ghi nhận sự điều chỉnh ở các nhóm tài chính, thép, thủy sản... nhưng áp lực bán nhìn chung không quá mạnh. Ngoài ra, 43 mã giữ giá tham chiếu, cho thấy dòng tiền vẫn đang được luân chuyển linh hoạt giữa các nhóm ngành.

Thanh khoản có phần hạ nhiệt so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trên HOSE tăng nhẹ 2,1%. Khối ngoại tiếp tục mua ròng 128,2 tỷ đồng, tuy nhiên mức mua ròng đã giảm so với các phiên trước. Một số mã vẫn bị khối này bán ròng mạnh.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2407 tăng 5,3 điểm (+0,33%), đóng cửa tại 1.601,2 điểm, thấp hơn 4,46 điểm so với chỉ số VN30. Các hợp đồng kỳ hạn dài hơn như VN30F2509, VN30F2512 tiếp tục ghi nhận mức chênh lệch âm sâu từ -19,66 đến -26,56 điểm, phản ánh tâm lý thận trọng về trung hạn.

Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh tăng 16,47% so với phiên trước và vượt trung bình 20 phiên gần nhất. Tuy vậy, khối lượng mở (OI) giảm mạnh xuống còn 38.657 hợp đồng so với 49.996 ở phiên liền trước, cho thấy xu hướng nhà đầu tư đang dần đóng các vị thế trước tuần đáo hạn hợp đồng.

anh-chup-man-hinh-2025-07-14-luc-200813.jpg
Diễn biến thị trường chứng khoán thời gian qua

VN-Index hướng lên vùng 1.480 điểm

Chứng khoán SSI

Vượt qua nhịp rung lắc mạnh do cung chốt lời nửa đầu phiên sáng, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng nhờ lực cầu đối ứng gia tăng. VNIndex đóng cửa tại 1.470,42 điểm, tăng 12,66 điểm (+0,87%). Sàn HOSE nghiêng về chiều tăng với 206 mã tăng/117 mã giảm.

VNIndex giữ vững quán tính tăng dù áp lực rung lắc có dấu hiệu tăng lên. Lực cầu chủ động vẫn cho thấy khả năng hấp thụ tốt ở vùng giá cao, tạo động lực thúc đẩy chỉ số hướng lên vùng 1.480. Trong kịch bản điều chỉnh kỹ thuật, kỳ vọng chỉ số duy trì cân bằng trên vùng hỗ trợ 1.440 – 1.450.

Tiếp tục tiến lên giao dịch trong 1.480 – 1.500 điểm

Chứng khoán BIDV

VN-Index tiếp tục tăng hơn 12 điểm trong ngày hôm nay và đóng cửa tại mốc 1,470.42. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 14/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Hàng cá nhân & gia dụng, Bất động sản, Ô tô và phụ tùng, Bán lẻ dẫn đầu đà tăng.

Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng nhẹ trên sàn HSX và bán ròng trên hai sàn còn lại. Cây nến rút chân trong ngày hôm nay là dấu hiệu tích cực cho thấy lực cầu bắt đáy tốt khi chỉ số điều chỉnh. Trong những phiên tới, chỉ số vẫn có động lực tiếp tục tiến lên giao dịch trong 1,480 – 1500.

Phái sinh giằng co trong rung lắc, xu hướng tiệm cận vùng 1.610–1.620 điểm

Chứng khoán MBS

Phiên giao dịch xuất hiện trở lại nhịp rung lắc, mặc dù vậy kết phiên phái sinh tăng 5,3 điểm lên 1.601,2 điểm. Thanh khoản giao dịch tăng hơn phiên cuối tuần khi xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong phiên. Nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch sôi động hơn khi giao dịch hơn 16 nghìn hợp đồng trong 2 chiều.

Trên thị trường cơ sở lực mua bán của khối ngoại có thể chi phối đến diễn biến trên phái sinh, rung lắc giằng co sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch. Chúng tôi kỳ vọng phái sinh sẽ tiệm cận vùng 1.610 – 1.620 điểm. Chiến lược giao dịch đề xuất: Chiến lược Long: Cân nhắc mở vị thế quanh vùng 1.590 – 1.595 điểm. Cắt lỗ nếu chỉ số giảm xuống dưới 1.587 điểm. Chiến lược Short: Canh mở vị thế quanh vùng 1.615 – 1.620 điểm. Cắt lỗ nếu chỉ số vượt 1.625 điểm.

Xu hướng đi ngang củng cố nền giá, tín hiệu Long tiếp tục chiếm ưu thế

Chứng khoán DNSE

Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 5 phút ghi nhận biến động mạnh vào phiên sáng và giằng co trong biên độ hộ vào phiên chiều. RSI đi ngang vùng trung tính và Bollinger Bands co hẹp, báo hiệu xu hướng SIDEWAY đầu phiên.

Hợp đồng VN30F1M theo khung nến 1 giờ chủ yếu vận động đi ngang. Đường MA10 tiếp tục đóng vai trò là đường hỗ trợ quan trọng cho đà tăng hiện tại, báo hiệu xu hướng LONG trong phiên tới. Kế hoạch giao dịch: Nhà đầu tư cân nhắc mở vị thế LONG khi chỉ số về các vùng hỗ trợ.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

Chứng khoán KIS Việt Nam

Xu hướng tăng tiếp tục được duy trì nhờ vào dòng tiền lan tỏa tích cực, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Diễn biến này cho thấy lực cầu chủ động vẫn hiện hữu, thúc đẩy chỉ số tiến lên các vùng giá cao mới.

Chỉ số xác nhận phiên thứ năm liên tiếp tăng trưởng tích cực cùng với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao. Điều này hàm ý tích cực về xu hướng tăng của thị trường. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thị trường chứng khoán siết kỷ cương: Nhiều “ông lớn” bị điểm danh

Thêm một công ty chứng khoán bị xử phạt tiền tỷ

Chỉ trong vài ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố quyết định xử phạt liên tiếp hai công ty chứng khoán với tổng số tiền phạt lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Những sai phạm từ thủ tục hành chính đến sử dụng vốn sai mục đích...