Chứng khoán Mỹ thăng hoa nhờ sức bật từ Nvidia

Bất chấp những lo ngại về loạt thuế quan mà Tổng thống Donald Trump mới công bố, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn ghi nhận mức đóng cửa kỷ lục nhờ động lực từ báo cáo lợi nhuận tích cực của Delta Air Lines và mức vốn hoá kỷ lục của Nvidia…

Chứng khoán Mỹ thăng hoa nhờ sức bật từ Nvidia

Kết thúc phiên 10/7, chỉ số Dow Jones tăng 192,34 điểm (+0,43%) lên 44.650,64, chỉ còn cách 1% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 12/2024; S&P 500 tăng 17,20 điểm (+0,27%) thành 6.280,46 điểm và Nasdaq Composite tăng 19,33 điểm (+0,09%) đạt 20.630,67 điểm.

S&P 500 ghi nhận phiên đóng cửa kỷ lục lần thứ năm kể từ ngày 27/6, trong khi Nasdaq đạt đỉnh thứ sáu trong cùng khoảng thời gian. Tính từ đầu năm 2025, S&P 500 đã có 8 lần lập kỷ lục.

Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, có 9 lĩnh vực tăng điểm, chỉ duy nhất dịch vụ truyền thông giảm gần 0,5% và công nghệ giảm 0,1%.

Cổ phiếu Nvidia tăng 0,7%, đóng cửa với mức vốn hóa vượt 4.000 tỷ USD và giữ vững vị thế công ty giá trị nhất thế giới. Trong khi đó, các cổ phiếu công nghệ lớn khác lại có diễn biến trái chiều. Cụ thể, Netflix, Microsoft và Meta giảm nhẹ; nhưng ngược lại, Tesla lại tăng tới 4,7% sau khi hãng thông báo tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào tháng 11 tới để đáp lại yêu cầu của các nhà đầu tư về nghĩa vụ pháp lý liên quan đến lịch trình sự kiện.

Đáng chú ý, cổ phiếu Delta Air Lines leo vọt 12% nhờ dự báo lợi nhuận vượt kỳ vọng. Tín hiệu tích cực này đã lan tỏa tới loạt cổ phiếu hàng không, với United Airlines tăng 14,3%, American Airlines cộng 12,7%. Chỉ số Vận tải Dow Jones, vốn được coi là chỉ báo sức khỏe của nền kinh tế, cũng đạt đỉnh kể từ cuối tháng 2/2025.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 18,16 tỷ cổ phiếu, sát với mức trung bình 18,31 tỷ của 20 phiên gần nhất.

Về khía cạnh kinh tế, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/7 là 227.000 đơn, thấp hơn mức dự báo 235.000 trong khảo sát của Reuters, và là mức thấp nhất trong bảy tuần qua. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý dữ liệu có thể biến động do kỳ nghỉ Lễ Độc lập (4/7) của Mỹ.

Ông Mark Luschini, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Janney Montgomery Scott nhận định: “Thông tin từ Delta và dữ liệu thất nghiệp giúp nhà đầu tư trở lại với tâm lý chấp nhận rủi ro”. Ông cho rằng thị trường giờ ít nhạy cảm hơn với lo ngại lạm phát và thất nghiệp do thuế quan.

Báo cáo việc làm của tuần trước cũng đã giúp thị trường phục hồi mạnh mẽ sau đợt bán tháo trong tháng 4 - thời điểm ông Trump công bố hàng loạt mức thuế mới.

Ông Chris Haverland, chiến lược gia toàn cầu của Wells Fargo Investment Institute lưu ý rằng mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 sắp tới sẽ là dịp để xem các doanh nghiệp ứng phó ra sao với môi trường thuế mới.

Tuần này, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 50% lên đồng nhập khẩu từ ngày 1/8 và đe dọa áp thuế tương tự lên hàng xuất khẩu từ Brazil. Ông cũng gửi thông báo áp thuế đến nhiều đối tác thương mại, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, ở biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), phần lớn các nhà hoạch định chính sách nhận định rằng tác động của thuế quan đối với lạm phát sẽ chỉ là tạm thời hoặc khiêm tốn. Tuy nhiên, chủ tịch Fed khu vực St. Louis Alberto Musalem cảnh báo có thể phải tới cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026 mới đánh giá đầy đủ tác động của thuế quan đối với lạm phát, nhấn mạnh sự thận trọng của Fed trong việc cắt giảm lãi suất.

GIÁ DẦU GIẢM MẠNH

Trên thị trường năng lượng, giá dầu mất hơn 2% trong phiên khi giới đầu tư lo ngại thuế quan của Mỹ có thể làm chậm tăng trưởng toàn cầu. Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,55 USD, tương đương 2,21%, xuống 68,64 USD/thùng; còn giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,81 USD, tương đương 2,65%, còn 66,57 USD/thùng.

Ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Tập đoàn Onyx Capital cho rằng việc ông Trump nhiều lần rút lại các quyết định áp thuế trước đây đã khiến thị trường bớt nhạy cảm hơn với các tuyên bố tương tự ở hiện tại. "Phần lớn nhà đầu tư hiện đang duy trì tâm lý chờ đợi, do sự thiếu nhất quán trong hoạch định chính sách và mức độ linh hoạt của chính quyền Trump, đặc biệt là về vấn đề thuế quan,” ông Tchilinguirian lưu ý.

Các thành viên OPEC+ dự kiến sẽ thông qua việc tăng sản lượng mạnh tay vào tháng 9, khi họ hoàn tất việc dỡ bỏ các cam kết cắt giảm tự nguyện của 8 thành viên, đồng thời cho phép Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) áp dụng hạn ngạch sản xuất lớn hơn.

Tuy nhiên, OPEC+ cũng có thể sẽ tạm dừng việc tăng sản lượng vào tháng 10 do lo ngại nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể đạt đỉnh, theo ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group.

Xem thêm

Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử

Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử

S&P 500 và Nasdaq thiết lập mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại và đánh dấu quý tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một năm nhờ sự lạc quan về các thỏa thuận thương mại và kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất…

Phố Wall khởi sắc nhưng Nasdaq và S&P 500 vẫn “lỡ hẹn” với mốc kỷ lục

Phố Wall khởi sắc nhưng Nasdaq và S&P 500 vẫn “lỡ hẹn” với mốc kỷ lục

Chứng khoán Mỹ khép phiên trong sắc xanh, với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiến gần hơn đến mức đỉnh lịch sử trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran tiếp tục được duy trì và hàng loạt dữ liệu kinh tế củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay…

Có thể bạn quan tâm

Thị trường chứng khoán siết kỷ cương: Nhiều “ông lớn” bị điểm danh

Thêm một công ty chứng khoán bị xử phạt tiền tỷ

Chỉ trong vài ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố quyết định xử phạt liên tiếp hai công ty chứng khoán với tổng số tiền phạt lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Những sai phạm từ thủ tục hành chính đến sử dụng vốn sai mục đích...