Ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng Giám đốc FSI phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, FSI đã giới thiệu các công nghệ scan hiện đại và cho ra mắt các dòng máy scan Plustek như: PS3140U, PS308U, PS186, PL3060, A300PLUS, A360PLUS,….
Với thiết kế tinh tế, nhỏ gọn, tiện ích, các máy scan Plustek đều có khay nạp tài liệu tự động ADF, hỗ trợ khổ giấy tối đa cùng công nghệ cảm biến CIS. Mặt khác, với công nghệ nhận dạng ký tự quang học OCR, tài liệu đã quét thành các tập tin có thể lưu dưới nhiều định dạng khác nhau… giúp người dùng có thể tìm kiếm, chỉnh sửa, chia sẻ, lưu trữ hình ảnh, tài liệu một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Cũng tại sự kiện, FSI đã giới thiệu thêm dòng máy scan khổ lớn ROWE và khổ lớn phẳng SMA, LMI. Máy được thiết kế để scan khổ giấy lớn, các tài liệu có độ dày, đồng thời có thể lưu tài liệu thành nhiều dạng file khác nhau như JPEG, PNG, PDF, DWF,… với tốc độ và chất lượng file rất tốt. Theo đại diện FSI, nó được coi là một giải pháp “số hoá” tài liệu khổ rộng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.
Với giải pháp công nghệ hình ảnh hóa của Book2net và Qidenus hiện đang dẫn đầu thị trường phân khúc máy scan sách chuyên dụng, đây là giải pháp có 3 chế độ vận hành: hướng dẫn/bán tự động/full tự động được tổng hợp trong hệ thống cơ điện tử xuất sắc của máy scan Qidenus. Cạnh đó, dòng máy Book2net với hệ thống hoàn toàn tự động, sử dụng ổn định, độ bền cao cũng là một trong những dòng sản phẩm mang lại kết quả cao nhất cho người sử dụng.
Toàn cảnh hội thảo
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng Giám đốc FSI, hiện nay việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT nói chung và việc chuyển đổi số nói riêng đang được các doanh nghiệp nghiên cứu triển khai với hệ thống hiện đại. Trong công cuộc xây dựng chuyển đổi số, giá trị máy quét chiếm ít hơn 10% tổng đầu tư hạ tầng CNTT, nhưng chất lượng của máy scan lại đóng vai trò mấu chốt tạo ra thông tin số để thực thi các quy trình tác nghiệp.
“Sẽ rất khó khăn cho một tổ chức khi mà tài liệu được lưu trữ dưới dạng các file video, các file hình ảnh, các file bảng tính, file văn bản, các file nén, các file hồ sơ,... để rải rác khắp nơi trên các thư mục mà không thể tìm kiếm nổi, không kiểm soát được....Trên thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tuy nhiên đến cuối năm backup lại hàng trăm GB dữ liệu mà lãnh đạo tổ chức đó không biết được thực tế đống dữ liệu đó là gì, sử dụng ra sao. Theo khảo sát FSI, tại Việt Nam, hầu hết người sử dụng chưa ứng dụng được những công nghệ, quy trình tối ưu nhất cho công đoạn scan tài liệu dẫn đến hệ lụy” –Tổng Giám đốc FSI cho biết.
Từ thực tế đó, FSI đã xây dựng nên các giải pháp công nghệ mới nhất cho việc quản lý tài liệu hiệu quả gồm: Giải pháp số hóa tài liệu chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001:2013, ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015, Hệ thống quản trị tài liệu DocEye, Giải pháp nhận dạng và bóc tách thông tin tự động IONE góp phần giải quyết các vấn đề lưu trữ, khai thác dữ liệu tại các cơ quan, đơn vị.
Khách mời trải nghiệm các giải pháp đến từ FSI
Với hệ thống DocEye, đây là giải pháp được áp dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), bóc tách thông tin tự động, qua đó giảm thiểu nhân lực và thời gian thực hiện trong công tác lưu trữ. Sản phẩm này cũng sử dụng các công cụ kiểm soát, đối chiếu dữ liệu gốc và dữ liệu số hóa tại tất cả các khâu, đảm bảo độ chính xác của dữ liệu đầu ra. Cùng đó, dữ liệu số hóa có thể xuất ra nhiều định dạng, dễ dàng tích hợp với các hệ thống CSDL. Ở đầu vào, quá trình nhập liệu được thực hiện trên các loại máy quét khác nhau như máy quét tự động cho bàn giấy thông thường khổ A4 – A0; máy quét phẳng cho tài liệu mỏng, giấy rách; máy quét cho tài liệu dạng quyển hoặc tài liệu không tháo gáy…
“Trong bối cảnh số hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới, tự động hóa,..sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Hành vi của con người hiện cũng đã thay đổi nhanh bởi công nghệ mới. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong cuộc chuyển đổi số.” – ông Sơn khuyến nghị.