Gần 4 tỷ USD vốn hoá "bốc hơi" khỏi thị trường trong tuần qua

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, chỉ số Vn-Index dừng ở mức 977,7 điểm, nối dài chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp của chỉ số lớn nhất thị trường, vốn hoá thị trường bay hơi gần 4 tỷ USD.
Gần 4 tỷ USD vốn hoá "bốc hơi" khỏi thị trường trong tuần qua

Đà giảm nới rộng trên toàn thị trường sau khi diễn ra trên các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm VN30 ở những phiên giữa tuần.

Sau khi liên tục “gom hàng” trong các phiên giao dịch từ đầu tháng 11 đến nay, giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán bất ngờ bán mạnh trong tuần qua, là một trong những tác nhân đẩy chỉ số Vn-Index tiếp tục lùi sâu, sau khi chính thức rời khỏi mốc 1.000 điểm.

Động thái này của khối tự doanh tuần qua còn có sự trùng hợp của thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F1911  khiến cổ phiếu nhóm VN30 biến động mạnh (phiên 21/11).

Cụ thể phiên giao dịch cùng ngày, VN30 - Index giảm 18,77 điểm, tương đương giảm 2,05% xuống còn 898,23 điểm. Hồi tháng 3 rồi VN Index cũng chứng kiến đợt giảm điểm mạnh khi rơi 20 điểm, cũng trùng thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F1903.

Điểm tiêu cực khác của thị trường trong tuần qua đó là việc khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại mua vào 110 triệu cổ phiếu, trị giá 4.001,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 117,8 triệu cổ phiếu, trị giá 4.470,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 470 tỷ đồng.

Cụ thể, trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 487,6 tỷ đồng (giảm 52% so với giá trị bán ròng của tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 8,2 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu KDH (Nhà Khang Điền) bị bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 237 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại đối với KDH chỉ tập trung trong phiên 21/11, trong phiên này, KDH bị khối ngoại bán ròng 257 tỷ đồng (9,8 triệu cổ phiếu) thông qua phương thức thỏa thuận. 

Mới đây, Vietnam Ventures Ltd, quỹ thành viên thuộc VinaCapital vừa đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu KDH. Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE là VIC với 205 tỷ đồng. Các cổ phiếu trụ cột khác như VCB, VJC, HPG, VHM, VNM... cũng đều bị khối ngoại bán ròng mạnh.

Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 26 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 1,6 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu PVS bị bán ròng mạnh nhất với 11 tỷ đồng. VCS đứng sau với giá trị bán ròng 5,4 tỷ đồng. Các mã CEO, NDN và MBG đều bị bán ròng hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài các nguyên nhân trên, lý do sâu xa hơn tạo đà giảm thị trường được các chuyên gia nhận định từ ảnh hưởng của Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư yêu cầu giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình, cũng như tăng hệ số rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản kể từ 1/1/2020.

Theo một chuyên gia, mặc dù dự thảo đã được công bố khá lâu, tuy nhiên khi thông tư chính thức ban hành đã ngay lập tức ảnh hưởng mạnh tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Đây là hai nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chỉ số chứng khoán, gây áp lực giảm điểm khá mạnh tuần vừa qua.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, diễn biến giảm điểm của thị trường đang rất nguy hiểm khi đã mất ngưỡng hỗ trợ rất quan trọng. Về mặt nguyên tắc, xu hướng tăng điểm ngắn hạn đã bị phá vỡ, do đó thị trường sẽ quay lại xu hướng đi xuống hoặc đi ngang.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm