Sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin, đồng tiền số giá trị nhất thế giới, giảm 5,2% xuống 76.322 USD. Các đồng altcoin khác cũng “đỏ rực”, như Ether trượt 9,16% thành 1.450 USD, còn XRP và Solana lần lượt mất 6,92% và 5,3%.
Đối với nhóm memecoin, Dogecoin giảm 6,39%, trong khi đồng TRUMP lao dốc 6,47%.
Giá Bitcoin hiện đang có dấu hiệu rơi vào vùng biến động mạnh. Các chuyên gia cho rằng, nếu Bitcoin không thể phục hồi trên ngưỡng 78.500 USD trong những ngày tới thì một đợt điều chỉnh sâu có thể xảy ra khi thị trường chịu tác động tiêu cực từ yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như áp lực từ các mức kháng cự kỹ thuật.
Dự báo từ các chiến lược gia cho thấy Bitcoin có thể giảm xuống vùng 69.000 - 70.000 USD trước khi tìm được điểm cân bằng.
Bitcoin cũng đang gặp khó khăn trong việc giành lại các vùng hỗ trợ quan trọng khi đồng tiền số này giao dịch dưới Dải Hỗ trợ Thị trường Giá lên (Bull Market Support Band) trong khi chỉ số RSI gần đạt mức quá bán.
Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường tiền số đang trong giai đoạn giằng co. Nhiều giao cắt tử thần (MACD death cross) phản ánh sự suy yếu và có thể kéo giá Bitcoin xuống thấp hơn, trong khi giao cắt vàng (golden cross) gợi ý về một số đợt tăng giá ngắn hạn. RSI duy trì trạng thái trung lập gần mức quá bán, cho thấy thị trường chưa có xu hướng rõ ràng. Để duy trì đà phục hồi, Bitcoin cần giành lại mức kháng cự 81.000 USD trước áp lực bán lớn.

Ở một chiều thông tin khác, ông Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley nhận định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì lãi suất ở mức 4,25% - 4,50% đến tháng 3/2026 trừ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong trường hợp suy thoái xảy ra, Fed có thể phải cắt giảm lãi suất mạnh hơn và sớm hơn dự kiến.
Đà tăng của Bitcoin có thể được củng cố khi các nhà giao dịch nhận ra rằng Fed không có nhiều công cụ để ngăn chặn suy thoái mà không làm gia tăng lạm phát. Dù thời điểm chính xác của đợt bứt phá vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu các vấn đề thương mại toàn cầu không sớm được giải quyết, giới đầu tư có thể đổ vốn vào Bitcoin như một tài sản trú ẩn, đặc biệt khi lo ngại về khả năng mất giá của đồng USD gia tăng.