Dữ liệu thống kê trong 24 giờ qua cho thấy tiền ảo phổ biến và giá trị nhất thế giới giao dịch thấp nhất tại 19.620 USD và cao nhất tại 20.866 USD.
Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong thời gian này vào khoảng 31,4 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 391,4 tỷ USD.
Trên sàn Vicuta, giá mua Bitcoin tăng lên mức 481,3 triệu đồng, trong khi giá bán lên 505,7 triệu đồng.
Theo giới phân tích, Bitcoin vẫn đang đối diện nhiều áp lực và có thể sắp chạm đáy trước khi tăng trở lại vùng giá cao. Cụ thể, nhà tư vấn tiền điện tử tại sàn giao dịch eToro, Glen Goodman, cho rằng nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào một đợt tăng ngay lập tức khi giá Bitcoin đã gần chạm đáy. Goodman cho rằng biến động giá Bitcoin hiện tại không có gì mới và đang phản ánh đúng xu hướng.
Trên thị trường, hầu hết các tiền ảo vốn hóa lớn nhưu Ethereum, Binance Coin, Binance USD, Tether, Ripple... giao dịch trong phạm vi hẹp, tăng giảm không đáng kể.
Bitcoin và thị trường tiền ảo gần đây đã bị ảnh hưởng sau khi công bố số liệu lạm phát của Mỹ tăng vọt lên 9,1%. Riêng Bitcoin đã "bốc hơi" khoảng 15 tỷ USD vốn hóa thị trường trong vòng mười phút sau khi công bố báo cáo CPI.
Trong khảo sát mới đây của MLIV Pulse, có tới 60% người được hỏi tin rằng Bitcoin nhiều khả năng lùi về 10.000 USD, giảm khoảng một nửa so với giá hiện tại.
Theo nhận định của các chuyên gia, dự đoán giá Bitcoin về 10.000 USD bắt nguồn từ nỗi sợ hãi cố hữu của mọi người trên thị trường. Vốn hóa thị trường tiền số đã mất hơn 2.000 tỷ USD so với mức đỉnh hồi tháng 11/2021.
“Nhà đầu tư hiện rất dễ sợ hãi, không chỉ trên thị trường tiền số mà nói chung trên cả thế giới”, chuyên gia Jared Madfes của Tribe Capital nói.