Giá hàng hóa có thể leo thang trong 6 tháng cuối năm 2022

Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng 6 tháng cuối năm, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá...
Giá hàng hóa có thể leo thang trong 6 tháng cuối năm 2022

PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo 6 tháng cuối năm 2022, thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) như giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn những diễn biến phức tạp, dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng hay bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Bá Minh cho rằng, vẫn có những nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI như sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) những tháng cuối năm sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến.

PGS, TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%.

Còn TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) thì dự báo sẽ có hai kịch bản tăng CPI 6 tháng cuối năm.

Theo đó, theo kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo dư địa kiềm chế lạm phát, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì dự báo CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%.

Kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đều tăng thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhận định, trong nửa cuối năm 2022, nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên kiểm soát lạm phát như căng thẳng chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dự báo vẫn diễn biến phức tạp và có các tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ; rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ tác động gián tiếp tới Việt Nam; giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Song theo Cục Quản lý giá, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá; trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định; giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá sẽ góp phần "hạ van" lạm phát.

Cục Quản lý giá cho rằng, để bình ổn giá những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình kinh tế, lạm phát thế giới và các chính sách ứng phó của các nước, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Xem thêm

Bình Dương muốn “siết” điều kiện tách thửa, hợp thửa đất

Bình Dương muốn “siết” điều kiện tách thửa, hợp thửa đất

UBND tỉnh Bình Dương sẽ tập hợp các ý kiến người dân về Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa, diện tích tối thiểu tác thửa đất và xem xét đưa ra Quyết định mới. Đây cũng là cơ sở để các địa phương trong tỉnh áp dụng, chấn chỉnh lại tình trạng phân lô, bán nền tràn lan.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...