Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh hiện nay là 17.163 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021. Sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác trồng thuần, trồng xen trên vườn cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng... có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Cảnh báo này của tỉnh Lâm Đồng được đưa ra trong bối cảnh giá sầu riêng xuất khẩu đang tăng mạnh từ đầu năm tới nay.
Theo đó, từ sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ 8/1/2023, lại thêm việc Trung Quốc cấp 230 mã vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói, khiến sản lượng xuất khẩu và giá sầu riêng tăng mạnh.
Ghi nhận từ giữa tháng 2, giá sầu riêng mua tại vườn với monthong Thái loại A (trái 2-5 kg) giá thu mua tại vườn 190.000 đồng một kg, loại B là 150.000 đồng, loại C là 120.000 đồng, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với Ri 6 giá thu mua đang thấp hơn so với monthong 20.000-30.000 đồng một kg.
Sầu riêng được dự báo sẽ mang về kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2023. Trong đó phần lớn vẫn sẽ từ thị trường Trung Quốc.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng ước đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc khoảng 300 triệu USD.