Nhìn lại câu chuyện tỷ giá trong năm 2023, đồng VND chịu áp lực lớn từ sự tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế. Chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động USD trong nước và nước ngoài đẩy nhà điều hành vào thế khó trong điều hành và quản lý tỷ giá.
Dẫu vậy, giới phân tích vẫn nhận định rằng 2023 có thể coi như một năm điều hành thành công, khi mức giảm giá của VND so với USD được duy trì ở ngưỡng hợp lý, khoảng 3% và thị trường ngoại hối hoạt động liên tục và không xảy ra hiện tượng thiếu hụt nguồn cung.
Theo số liệu từ WiGroup, tính đến cuối năm 2023, tỷ giá trung tâm tăng 1,1%; tỷ giá mua bán USD tại các ngân hàng tăng 3,04% - 3,08%; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tăng 4,1 - 4,3%.
Trong giai đoạn nửa đầu năm, tỷ giá duy trì ở mức ổn định, bắt đầu gợn sóng vào đầu quý 3 và bật tăng mạnh từ tháng 8, có thời điểm tỷ giá đã tiến gần với mức đỉnh ghi nhận trong năm 2022, sau đó hạ nhiệt vào cuối năm.
Việc tỷ giá biến động mạnh trong giai đoạn quý 3/2023 cũng làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là các doanh nghiệp dầu khí.
Bước sang năm 2024, câu chuyện về “sốt ngoại tệ” tiếp tục là chủ đề nóng khi giá USD liên tục lập đỉnh mới. Nhiều chuyên gia dự báo, các doanh nghiệp sẽ “đứng ngồi không yên” vì tỷ giá tăng cao. Nguyên nhân được cho là do đồng USD tăng mạnh và nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến để chuẩn bị cho các hoạt động xuất khẩu đang dần "ấm" lên trong thời gian tới.
Và dĩ nhiên, tỷ giá tăng đem đến bài toán đau đầu đối với những doanh nghiệp có đầu vào phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng nhập khẩu nguyên vật liệu trước đó nên khi biến động tỷ giá theo chiều hướng tăng sẽ đẩy chi phí nhập khẩu tăng thêm. Thậm chí, USD tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền VND mất giá, lạm phát tăng cao kéo theo nhiều hệ lụy tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Chia sẻ với giới báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2024, xuất khẩu ước đạt 24,82 tỷ USD, song nhập khẩu cũng lên tới 23,72 tỷ USD. Đáng chú ý là, 2 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu, nhưng khu vực doanh nghiệp trong nước lại thâm hụt thương mại tới 3,9 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu tỷ giá tăng, doanh nghiệp được lợi chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi doanh nghiệp trong nước thiệt nhiều hơn lợi. Chưa kể, tỷ giá tăng còn gây ra rủi ro nhập khẩu lạm phát.
Nhóm phân tích từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu năm nay, tỷ giá tăng 2-3% sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu biến động quá mức này, đặc biệt từ 5% trở lên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá biến động mạnh hơn nhiều so với dự báo của các định chế tài chính trước đó. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một chuỗi hành động mạnh mẽ, hút về số tiền lớn thông qua việc phát hành tín phiếu. Điều này không chỉ nhấn mạnh vào việc hấp thụ thanh khoản dư thừa mà còn nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá và đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đến hiện tại, tỷ giá vẫn chưa được hạ nhiệt đáng kể.
Dẫu vậy, theo dự báo của nhiều chuyên gia, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm, khi nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, đồng thời Fed có thể cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách quản lý thị trường vàng cũng có thể tác động tích cực hơn tới tỷ giá.
Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ (có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ cuối năm 2024).