Giá vàng thế giới rạng sáng nay tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 8,3 USD lên 2.028,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.030,6 USD/ounce, tăng 8,4 USD so với rạng sáng qua.
Theo báo cáo phân tích thị trường hàng hóa mới nhất từ StoneX Bullion, trong khi tâm lý thị trường đối với vàng vẫn thận trọng thì môi trường địa chính trị và tài chính vẫn ủng hộ vàng.
Các nhà phân tích lưu ý rằng giá vàng tăng lên 2.050 USD do “chu kỳ lãi suất của Fed có khả năng sẽ nhẹ nhàng hơn” kết hợp với “căng thẳng gia tăng ở Trung Đông”.
Cụ thể, các nhà phân tích viết: “Dù bằng cách nào thì điều đó cũng đủ để giảm bớt sức nóng cho thị trường vàng, chứng tỏ rằng mặc dù những cơn gió thuận vẫn còn mạnh đối với vàng nhưng thị trường không tăng giá mạnh”.
“Nhìn chung tâm lý vẫn rất thận trọng do sự bất ổn kinh tế và hiệu suất trì trệ của vàng. Kết quả là giá vàng đã theo quỹ đạo đi xuống”.
Theo một số nhà phân tích, sự phục hồi kinh tế đầy biến động của Trung Quốc vào năm 2023 cũng đóng một vai trò quan trọng trên thị trường vàng và có thể tiếp tục thống trị bối cảnh toàn cầu trong năm mới 2024.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết vàng vượt trội so với các tài sản lớn của Trung Quốc khi kim loại quý này tăng 17% so với đồng Nhân dân tệ. Động thái này vượt xa mức tăng 14% của vàng so với đồng đôla Mỹ.
“Sức mạnh này của giá vàng so với đồng tiền USD chủ yếu là do đồng nội tệ yếu đi”, Ray Jia, nhà phân tích cấp cao tại WGC và là tác giả của báo cáo cho biết.
Trong khi vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại so với cả đồng đôla Mỹ và đồng Nhân dân tệ vào tháng trước, ông lưu ý rằng thị trường Trung Quốc chứng kiến nhu cầu vững chắc trong hầu hết thời gian của năm.
“Trên cơ sở trung bình hàng tháng, mức 75 USD/oz (3,9%) của tháng 9 là mức cao nhất. Và kỷ lục hàng ngày được thiết lập vào ngày 14/9/2023, khi mức chênh lệch giá vàng trong nước đạt 121 USD/oz, tương đương 6,4%,” ông nói.
Cùng với nhu cầu ngày càng tăng, mức chênh lệch kỷ lục trong tháng 9 cũng được thúc đẩy bởi thiếu nguồn cung khi chính phủ tạm thời hạn chế nhập khẩu vàng trong nỗ lực củng cố đồng Nhân dân tệ.
Jia lưu ý rằng nhu cầu vàng trong nước được thúc đẩy bởi sự bất ổn kinh tế đang diễn ra khi người tiêu dùng sử dụng vàng để bảo toàn tài sản và bảo vệ họ khỏi tài sản suy yếu và đồng tiền mất giá.
Cũng trong sáng nay, giá vàng trong nước không có nhiều biến động. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 74 triệu đồng/lượng mua vào và 76,52 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Tương tự, DOJI tại khu vực Hà Nội không điều chỉnh ở cả 2 chiều, hiện giao dịch lần lượt 73,9 triệu đồng/lượng mua vào và 76,45 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Tỷ giá trung tâm VND/USD hôm nay 24/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh mức 24.030 VND/USD, giảm 1 đồng so với phiên giao dịch ngày 23/1.
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 – 25.181 VND/USD. Tỷ giá đồng USD cũng đã được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.181 VND/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá USD hiện có mức mua vào là 24.360 VND và mức bán ra là 24.730 VND, tăng 25 đồng so với phiên giao dịch ngày 23/1. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400 - 25.300 VND/USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD hiện được giao dịch ở mức mua vào 25.044 VND và bán ra ở mức 25.084 VND.