Giá xăng dầu trong nước
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 18/4 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5RON92: không cao hơn 26.471 đồng/lít
Xăng RON 95 không cao hơn 27.317 đồng/lít
Dầu diesel không cao hơn 24.380 đồng/lít
Dầu hỏa không cao hơn 23.037 đồng/lít
Dầu mazut không cao hơn 20.929 đồng/kg.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 18-4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 được giao dịch ở mức 108 USD/thùng, tăng 1,08 USD, tương đương 1,01%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 113 USD/thùng, tăng 1,18%, tương đương 1,32 USD.
Cả hai mặt hàng Brent và WTI đã tăng khoảng 9% trong tuần trước khi thị trường tiếp nhận thông tin khả năng Liên minh châu Âu (EU) có thể thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga cũng như sự nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc bởi các ca nhiễm Covid-19 giảm dần.
Giá dầu tuần trước đã bắt đầu tuần giao dịch ở mức giảm bởi triển vọng nguồn cung tăng do quyết định giải phóng cùng lúc 240 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, tính từ tháng 5 của các nước thành viên của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) và nguồn cầu giảm từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, trái ngược với tuần trước, giá dầu tuần này đã tiếp đà “leo dốc” bởi một loạt các thông tin ảnh hưởng đến nguồn cung dầu vốn đang hạn hẹp.
Trước hết là khả năng EU thông qua lệnh cấm vận dầu Nga theo từng giai đoạn. Nếu biện pháp cấm vận được thông qua, thì từ tháng 5, mỗi ngày thế giới sẽ phải đối mặt với sự “vắng mặt” của hơn 7 triệu thùng dầu Nga thay vì 3 triệu thùng/ngày bị đóng băng như IEA đã cảnh báo giữa tuần trước.
Thêm vào đó, gián đoạn nguồn cung từ Libya cũng khiến thị trường dầu thế giới chao đảo. Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya ngày 17-4 thông báo đóng cửa mỏ dầu chính Al-Fil trong bối cảnh bế tắc chính trị có nguy cơ kéo quốc gia Bắc Phi trở lại giai đoạn xung đột vũ trang.
Thông báo đóng cửa sau khi một nhóm người xâm nhập vào mỏ dầu và ngăn cản công nhân sản xuất dầu. Sự đóng cửa này khiến tập đoàn không thể thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký. Libya sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày.
Một thông tin khác cũng phần nào tác động khiến giá dầu tăng đó là nhiều khả năng một thoả thuận hạt nhân mới với Iran sẽ không đạt được. Hy vọng thế giới sẽ được tiếp thêm hơn 1 triệu thùng dầu Iran/ngày đang dần tiêu tan.
Oilprice đưa tin, hy vọng của Tehran để Mỹ và các đối tác châu Âu ký một thỏa thuận liên quan đến thâm hụt nguồn cung dầu toàn cầu ngày càng viển vông.
Với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung nói trên, việc giải phóng 240 triệu thùng dầu, tương đương hơn 1 triệu thùng/ngày từ các kho dự trữ dầu chiến lược của các thành viên IEA khó có thể bù đắp.
Andrew Lipow của Lipow Oil Associates ở Houston từng nhận định rằng, trong thời gian ngắn, nguồn thay thế có thể đến từ các đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của các thành viên IEA. Nhưng về lâu dài, tìm nguồn cung cấp khác là điều cần thiết.
Bất chấp giá dầu tăng, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn bảo lưu ý kiến sẽ không bơm thêm dầu.
Giá dầu Brent đã tăng lên gần 140 USD/thùng trong tháng trước.