Giải bài toán đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 lần thứ 4 đã dẫn đến đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động. Để giải quyết bài toán cân đối lao động giữa các vùng, các bộ ngành và địa phương cần có quy hoạch liên kết vùng.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cả nước có 2,2 triệu lao động trở về quê, trong đó tại TP.HCM và miền Đông Nam Bộ bị ảnh hưởng lớn nhất. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch lại liên kết vùng nhằm cân đối lại lực lượng lao động.

Làn sóng “rời phố về quê”

Dịch Covid-19 lần thứ 4 ập tới, vợ chồng chị Huỳnh Thu Lan cùng 2 con nhỏ sống trong căn phòng trọ 15m2 tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) quá bức bối sau 2 tháng giãn cách xã hội. Nhiều lao động trong công ty da dày mà anh chị làm việc bị dương tính với virus, cộng thêm nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài vào bị đứt gãy, do đó doanh nghiệp chỉ còn 1 bộ phận làm việc, anh chị là số lao động phải nghỉ việc tạm thời.

Hai tháng sống trọng căn nhà trọ chật chội, tiền tiết kiệm của gia đình cũng đã cạn. May mắn, khu trọ này thường xuyên nhận được thực phẩm cứu trợ nên anh chị và nhiều người ở đây vẫn cầm cự được qua ngày.

Làn sóng lao động di chuyển về quê đã lộ ra điểm yếu về chuỗi cung ứng lao động. (Ảnh: Int)
Làn sóng lao động di chuyển về quê đã lộ ra điểm yếu về chuỗi cung ứng lao động. (Ảnh: Int)

Bất ngờ hơn, công ty mẹ từ nước ngoài thông báo sẽ chuyển đơn đặt hàng sản xuất giày sang Thái Lan, nên công việc tại nhà máy sẽ không biết khi nào hồi phục. Cánh cửa như đóng lại trước mắt anh chị.

Nghe lời kêu gọi của hội đồng hương tại Sóc Trăng, anh chị cùng dòng người đã ùn ùn về quê, bất chấp lệnh không ra khỏi thành phố. Nhiều người không qua được các chốt kiểm soát dịch bệnh, nhưng anh chị may mắn đã về được quê.

Cho đến nay qua hơn 2 tháng, dịch bệnh ở vành đai các khu công nghiệp phía nam đã được kiểm soát, nhưng hệ luỵ để lại là nhiều doanh nghiệp sản xuất thiếu lao động, kêu gọi lao động trở lại thành phố làm việc. Trong khi đó, ngược lại nhiều người lao động lại mất việc làm.

Theo ông Nguyễn Huy Minh, Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), tính đến 15/12/2021, cả nước có 2,2 triệu người lao động trở về quê, trong đó có 839.000 người từ 15 tuổi trở lên (chiếm 70,9%), phần lớn người từ 15 tuổi trở lên là trong lực lượng lao động có sự dịch chuyển.

Trong tổng số 2,2 triệu người di cư thì có 447.000 người trở về từ thủ đô, 524.000 người là từ TP.HCM, gần 600.000 người từ các tỉnh phía nam, hơn 600.000 là từ các tỉnh thành phố khác…

Trong quý IV năm 2021, cả nước có hơn 24,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất (lần lượt là 50,6% và 39,4%).Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên ít bị ảnh hưởng nhưng cũng lên tới 15,2% và 24,6%. Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều nhất với 41,8% lao động bị ảnh hưởng; trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 27,5%.

Quy hoạch vùng cân đối lực lượng lao động

Cũng theo ông Nguyễn Huy Minh, do tác động dịch Covid-19, khi thực hiện Chỉ thị 15-16/CT-CP, doanh nghiệp bị đứt gẫy chuỗi cung ứng đã dẫn đến làn sóng người lao động dịch chuyển về quê. Hiện các tỉnh thành phố lớn có một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Trong khi đó, có một lực lượng lao động về quê cũng rất khó khăn, không có công ăn việc làm. Điều này đặt ra vấn đề liên kết vùng và phân bổ, quy hoạch lại lượng lực lao động, quy hoạch lại ngành nghề thâm dụng lao động. Làm sao để phân bổ các ngành thâm dụng lao động về các tỉnh, thành khác, quy hoạch lại hệ thống giao thông thuận tiện.

Ông Minh chia sẻ, tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất đang diễn ra, trong gói phục hồi nền kinh tế có 5 giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp phát triển hạ tầng để kết nối vùng miền.

“Khi hệ thống giao thông được kết nối vùng miền thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ có sự dịch chuyển từ tỉnh thành phố lớn về các tỉnh có nhiều lao động”, ông Minh nói.

Cũng liên quan đến lao động, việc làm, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhìn nhận, hiện đang có sự chuyển dịch từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Nguyên nhân là quý III/2021, đại dịch hoành hành, doanh nghiệp bị giãn việc, nghỉ việc rất nhiều nên người lao động phải tìm kiếm cơ hội khác, đó là tìm việc làm ở khu vực phi chính thức.

“Điều này đặt ra thách thức cho các cấp, các ngành đặc biệt là các địa phương tạo công ăn việc làm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt có chính sách khuyến khích thu hút lao động từ khu vực phi chính thức trở lại khu vực chính thức”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trước sự dịch chuyển lao động, đặt ra vấn đề liên kết vùng quan trọng, tuy nhiên, hiện công tác quy hoạch chưa hoàn thiện. Để làm tốt công tác quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, thì lực lượng lao động như ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang có vấn đề nghiêm trọng đang xảy ra đó là dân số đang giảm sút.

Vùng này cung cấp nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp cho cả nước và xuất khẩu rất lớn, nhưng lực lượng lao động ở đây đang di dân đến các thành phố lớn dẫn đến ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng cũng như phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Như vậy, các cấp, các ngành cần làm tốt quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trong đó chú trọng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển kinh tế ở khu vực này”, ông Tiến cho hay.

Có thể bạn quan tâm