Hai cơ quan có trách nhiệm giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thị trường xăng dầu là liên Bộ - gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Được biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ mời nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tham dự cùng.
Bị "ép" bán giá lỗ, doanh nghiệp bán lẻ "xin" được bồi hoàn
Chia sẻ với Thuonggia, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, họ sẽ "truy" liên Bộ - trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương về tính khoa học, trách nhiệm trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.
Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, sau chu kỳ lỗ hơn 1 năm liên tiếp, Bộ Công Thương lập tức phải có giải pháp để "cắt lỗ" cho doanh nghiệp. Hơn 1 năm nay, họ "lỗ" do chiết khấu dưới điểm hòa vốn.
Theo quan điểm của các doanh nghiệp bán lẻ, nguyên nhân "lỗ" là do cơ chế điều hành và chưa quy định chi phí ở 3 khâu nên đã tạo kẻ hở cho doanh nghiệp đầu mối lợi dụng chiếm phần chi phí kinh doanh cơ bản mà lẽ ra doanh nghiệp bán lẻ được hưởng, chứ không phải do cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ quản lý điều hành "dở" gây ra hay do tác động của giá dầu thế giới.
Trước thực trạng đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, nếu còn tiếp tục như hiện nay họ sẽ không biết lấy nguồn tiền ở đâu để trả lương cho nhân viên, trả lãi ngân hàng và các chi phí kinh doanh khác. Vì đa số doanh nghiệp xuất phát điểm thấp, hầu hết dùng vốn vay để hoạt động.
Các doanh nghiệp bán lẻ đưa ra lập luận, doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng bị lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng, có nhà nước cân đối, tìm chính sách hỗ trợ. Vậy, doanh nghiệp bén lẻ xăng dầu lỗ thời gian dài, ai hỗ trợ trong khi chính sách đã lộ nhiều bất cập và ngay chính Bộ Công Thương cũng thấy rất rõ điều đó. Vậy doanh nghiệp bán lẻ "xin" nhà nước bồi hoàn vì bị ép bán giá lỗ để bình ổn thị trường có được không?
Một vấn đề nữa sẽ được các doanh nghiệp bán lẻ đặt câu hỏi với Bộ Công Thương về sự đối xử bất công giữa thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.
Một trong những bất công mà các doanh nghiệp bán lẻ đưa ra là việc thương nhân phân phối thì có quyền mang xe đi lấy hàng ở kho A, B và C… về đổ vào chung 1 bồn để bán, trong khi doanh nghiệp bán lẻ tự đi mua (cũng chính ở các kho đó) về bán thì lại bị phạt. Việc thương nhân phân phối lấy hàng nhiều nơi đổ cùng 1 bồn như vậy có đảm bảo cho việc quản lý chất lượng không, khi doanh nghiệp bán lẻ cũng lấy hàng tương tự như vậy lại cho rằng không đảm bảo về chất lượng.
Giảm trung gian phân phối để ổn định thị trường xăng dầu
Thời gian quan, thị trường xăng dầu trong nước chịu nhiều tác động của thị trường xăng dầu thế giới, nguồn cung trong một số thời điểm, tại một số địa bàn bị đứt gãy cục bộ, nhiều cây xăng treo biển hết hàng, nghỉ bán, ảnh hưởng tới đời sống người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong những ngày đầu năm 2023, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dù nguồn cung xăng dầu cho thị trường được Bộ Công Thương khẳng định là không thiếu. Quản lý Thị trường cũng đã xử phạt hàng loạt cây xăng nghỉ bán hàng không lý do.
Hiện, Bộ Công thương đang sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Góp ý cho việc sửa đổi Nghị định, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đồng thanh cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ cực kỳ khó khăn.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Tại văn bản, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2/2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu. Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua. Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương không được để chậm trễ.
Việc sửa đổi, bổ sung theo quan điểm của chúng tôi, mấu chốt là làm sao phải xây dựng được Nghị định kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, và đặc biệt là tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.