Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng cao, trong khi việc cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cùng hàng loạt hạn chế khác khiến nợ đọng xây dựng cơ bản tồn tại, kéo dài qua nhiều năm với những con số "giật mình" nhưng không dễ xử lý dứt điểm.
Tuy chưa có công bố chính thức về tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trên cả nước, song Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam ước tính con số này hiện là khoảng 30 - 40 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, phía doanh nghiệp cho rằng con số thực tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Những con số "giật mình"
Chỉ tính riêng nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Trung ương tính đến hết kế hoạch năm 2016 đã là 9.557,6 tỷ đồng (số liệu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra tại buổi họp cho ý kiến về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ diễn ra trung tuần tháng 4 vừa qua).
Còn trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến đầu năm 2016, số nợ đọng là hơn 15.000 tỷ đồng (báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại hội thảo cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tổ chức tháng 10/2016).
Các địa phương có nợ đọng lớn gồm: Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận định, số nợ xấu (trên 160.000 tỷ đồng tính đến hết 2016), bao gồm cả 90.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi hàng loạt đơn vị đang bị nợ tới vài nghìn tỷ đồng.
“Chỉ riêng với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tổng số nợ đọng đã là 2.644 tỷ đồng. Điển hình các công trình chưa bố trí đủ vốn như: dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, dự án mở rộng quốc lộ 1A, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, chương trình rà soát bom mìn vật nổ 504...”, ông Đào Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết.
“Trong khi để đảm bảo vốn cho quá trình sản xuất - kinh doanh, chúng tôi chủ yếu phải sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng với lượng vay cao, bình quân khoảng 1.500 tỷ và phải trả lãi vay là 126 tỷ đồng/năm. Đồng thời, các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước cũng phải nộp ngay. Ngược lại, các khoản Nhà nước (chủ đầu tư) chưa thanh toán, còn nợ thì lại không tính lãi cho nhà thầu...”, ông Tuấn cho biết thêm.
Còn Đại diện Vinaconex chia sẻ, vào thời điểm 31/12/2014, nợ đọng của Vinaconex là 2.346 tỷ đồng, đến 31/12/2016 còn 1.185 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng công ty 319 cũng cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, khối lượng dở dang của doanh nghiệp này lên đến 2.110 tỷ đồng, trong đó, có những công trình khối lượng dở dang trên 5 năm vẫn chưa được nghiệm thu do chủ đầu tư không bố trí được vốn...
Nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng
Nợ đọng diễn ra ở nhiều dự án và kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch vốn của doanh nghiệp.
Một số “điển hình” như trường hợp của Tổng công ty Sông Đà, thủy điện Sơn La khánh thành từ cuối năm 2012, thủy điện Lai Châu khánh thành cuối năm 2016, công trình Nhà Quốc hội vận hành từ kỳ họp Quốc hội tháng 11/2015 đến nay vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.
Dự án đường Hồ Chí Minh khởi công năm 2000, nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2006, năm 2013 mới được Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán và nhà thầu thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư song hiện vẫn còn 1,6 tỷ đồng, giá trị giữ lại chờ quyết toán chưa được chủ đầu tư thanh toán.
Dự án Nhà bảo tàng Hà Nội - công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã đi vào vận hành từ năm 2010 đến nay cũng chưa quyết toán được nên nhà thầu là Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Xuân Mai vẫn bị nợ.
Hợp đồng công trình Thủ Thiêm, An Lạc mà VINAINCON ký với Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước Tp.HCM đã được bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán hợp đồng và hết thời hạn bảo hành 24 tháng từ năm 2009. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán khoản tiền giữ lại 5% do chưa thực hiện xong các thủ tục kiểm tra giá trị quyết toán vốn đầu tư của toàn dự án.
Bên cạnh đó chưa kể tới một số dự án không có khả năng thu hồi công nợ khoản tiền chờ quyết toán và khoản tiền bảo hành do sau khi kết thúc đầu tư, các ban quản lý dự án đã giải thể để chuyển cho đơn vị thứ 3 tiếp nhận quản lý và sử dụng. Các khoản nợ không được chuyển giao rõ ràng giữa đơn vị thực hiện quản lý đầu tư và đơn vị tiếp nhận sau đầu tư dẫn tới nhà thầu không biết đòi ai...
Các chuyên gia phân tích, nợ đọng xây dựng cơ bản có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những bất cập về cơ chế, chính sách.
Ví như Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2015, song các văn bản hướng dẫn lại chậm được ban hành, thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng; nhiều dự án (ở cả cấp Trung ương và địa phương) được phê duyệt vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là cấp xã.
Nhiều chủ đầu tư cố tình chiếm dụng vốn, hoạt động không hiệu quả, hoặc chưa tích cực trong việc giải quyết nợ đọng.
Trong khi đó, phần lớn nhà thầu lại ít chú ý tới các điều khoản trong hợp đồng thi công xây dựng (bất lợi cho mình; một số thì năng lực tài chính còn hạn chế...
Từ đó, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, thời gian kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng không có vốn để trả ngân hàng kịp thời, dẫn đến nợ xấu, nợ quá hạn.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng và tiếp cận vốn ngân hàng cho các kỳ kinh doanh tiếp theo, đồng thời làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà thầu Việt Nam...
Theo Huyền Ngân/ VnEconomy
>> Công bố hàng loạt doanh nghiệp địa ốc TP.HCM nợ thuế