Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen”.
BỨC TRANH ĐẦY MÀU XÁM
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, đến nay, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả trên song hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch và đặc biệt là sự suy giảm tổng cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2024, tốc độ tăng trưởng cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống giảm 1,32% so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cho vay phục vụ đời sống nhích lên 4%, so với 3,8% cuối 2023. Nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay còn khoảng 14,63%. Một số công ty tài chính tiêu dùng thua lỗ do nợ xấu khó đòi và trích lập dự phòng rủi ro gia tăng.
Mặt khác, cũng theo bà Nguyễn Thị Hiền, một bộ phận người dân do còn yếu và thiếu về kiến thức tài chính, e ngại và cho rằng mình không đủ khả năng vay tại các tổ chức tài chính chính thức đã trở thành “con mồi” cho các dịch vụ tín dụng đen ẩn mình dưới các hình thức thức cho vay qua app.
Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng cho vay trên nền tảng trực tuyến cũng là xu hướng phát triển của ngành Ngân hàng, thì việc quản lý chặt chẽ, kiểm soát các hình thức cho vay trên app càng trở nên quan trọng để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Bên cạnh đó, cũng có một số khách hàng còn bị lôi kéo vào các hội nhóm bùng nợ xuất hiện ngày càng nhiều trên các mạng xã hội. Hiện tượng này đã trở thành vấn nạn khiến cho các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói, ngay cả những người dân ban đầu không có ý định trốn nợ, bùng nợ nhưng do không hiểu hết pháp luật, bị lôi kéo bởi các hội nhóm trên mạng nên cũng a dua làm theo….
LẤY CÔNG NGHỆ TRỊ CÔNG NGHỆ
Để thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam lành mạnh, an toàn, bền vững , tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị. Trong đó nổi bật nhất là các kiến nghị dùng giải pháp công nghệ của Bộ Công an.
Cụ thể, ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, qua nắm tình hình chung, cơ bản Bộ Công an đã có các giải pháp trấn áp các hoạt động tín dụng đen trên môi trường thực tế. Tuy nhiên, trên môi trường điện tử cần thiết phải thiết lập thêm nhiều cơ chế quản lý cũng như các công nghệ mới để kiểm soát các hành vi cho vay biến tướng từ các tổ chức cho vay.
"Hiện nay, nguyên nhân chính khiến xảy ra tình trạng này do các đơn vị sử dụng công nghệ, giải pháp cung cấp thiếu thông tin, dữ liệu để hỗ trợ các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng ra quyết cho vay, do vậy việc vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn", ông Hiệp nhấn mạnh.
Do đó, đại diện C06 khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo các ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch 01 đã ký với Bộ Công an, thúc đẩy các tổ chức tín dụng sử dụng các giải pháp Bộ Công an hỗ trợ ngành ngân hàng.
Về phía các tổ chức tín dụng, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank đề xuất, cần sớm cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Về phía cơ quan quản lý, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định, trong thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt 6 giải pháp để đẩy mạnh tín dụng có hiệu quả phục vụ kịp thời nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất hợp lý.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng và hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, tạo điều kiện mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng của người dân.
Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân…
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục cho vay và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an để đẩy mạnh các giải pháp để ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.