Hàng loạt giải pháp để khơi thông dòng tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã được các đại biểu đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Hội thảo này do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức ngày 30/10 ở Hà Nội.
Dự hội thảo, ngoài lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn có đông đảo các chuyên gia kinh tế, đại diện các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp nông nghiệp, ND xuất sắc…
Chính sách không triển khai, doanh nghiệp sẽ nản
Ông Phạm Đức Thắng – ND xuất sắc đến từ huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) chia sẻ: “Gia đình tôi làm kinh tế theo mô hình hợp tác xã, mặc dù các ngân hàng trên địa bàn huyện cũng rất tạo điều kiện nhưng muốn có nguồn vốn dài hạn để đầu tư vẫn khó khăn, cho dù tôi khẳng định đầu tư cho ND không rủi ro, vì vụ này không trả được thì vụ sau chúng tôi sẽ trả lại đủ đồng vốn cho ngân hàng...”.
Theo ông Thắng, mặc dù Nghị định 55/2015 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn) nói không cần, nhưng thực tế người ND vẫn phải có tài sản thế chấp mới vay được vốn. Trong khi, đất đai ở nông thôn giá trị không cao, còn nhà xưởng, máy móc có thế trị giá vài tỷ đồng nhưng chính sách không cho thế chấp nhà xưởng, máy móc dẫn tới ND không thể vay được thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
"Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chỉ đạo kiểm tra việc giải ngân cho vay đối với doanh nghiệp của ông Thành”. Phó Thống đốc Đào Minh Tú |
Cùng chung nhận định trên, bà Trịnh Thị Mý (Quế Võ, Bắc Ninh) là ND xuất sắc trong lĩnh vực chăn nuôi, chia sẻ: “Gia đình tôi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng cách đây gần 10 năm. Tháng 9 vừa qua chúng tôi đầu tư hơn 20 tỷ đồng trên diện tích 7ha nhưng cũng chỉ vay được của ngân hàng 2,5 tỷ đồng”.
Tương tự ông Thắng, bà Trịnh Thị Mỹ cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Để vay thế chấp, bà Mỹ đã phải sử dụng 6 bìa đỏ, diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố trên đất mới vay được vốn.
Còn ông Lê Quang Thành – Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương (Hưng Yên) cho biết: “Chúng tôi có 2 nhà máy thức ăn gia súc, có 8.000 con heo nái, 7 trại giống, liên kết 20 trạm ở các tỉnh để sản xuất và cung cấp giống. Tổng tài sản của chúng tôi đang đầu tư là 600 tỷ đồng nhưng chỉ vay được ngân hàng 100 tỷ đồng. Ở các nước cho vay chăn nuôi 30 năm, còn Việt Nam chỉ vay 3 năm và nhiều nhất là 7 năm thì không thể nào doanh nghiệp có đủ tiền trả cho ngân hàng”. Ông Thành cho rằng chính sách hiện nay không thiếu nhưng lại không đi được vào cuộc sống.
Cởi nút thắt nguồn vốn phát triển nông nghiệp
"Tổng tài sản của chúng tôi đang đầu tư là 600 tỷ đồng nhưng chỉ vay được ngân hàng 100 tỷ đồng”. Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương Lê Quang Thành |
Phát biểu trong phần thảo luận, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã nói rằng: “Các doanh nghiệp, người ND cứ đến dự những hội thảo như thế này sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi viết tâm thư mỗi khi gặp khó khăn, vướng mắc cần giải quyết”.
Nhận định của ông Thành được đưa ra bởi những kiến nghị, giãi bày của người ND, doanh nghiệp nông nghiệp đưa ra tại hội thảo đã được lãnh đạo T.Ư Hội NDVN, Ngân hàng Nhà nước quan tâm đưa ra phương án hoặc hướng giải quyết ngay.
Đối với trường hợp doanh nghiệp của ông Lê Quang Thành, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tỏ ra “bất ngờ” vì một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả với mức đầu tư lớn như thế lại vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng.
Ông Tú đã yêu cầu ngay Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chỉ đạo kiểm tra việc giải ngân cho vay đối với doanh nghiệp của ông Thành.
Những vướng mắc, khó khăn trong việc vay vốn tín dụng của doanh nghiệp, hợp tác xã, ND cũng đã được Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn chỉ ra tại hội thảo: “Quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ và thấp so với nhu cầu. ND vẫn khó tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển, mở rộng sản xuất. Cho dù đã có Nghị định 55 nhưng thực tế, người ND vẫn phải sử dụng sổ đỏ để tiếp cận được nguồn vốn của các tổ chức tín dụng”.
Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, những vướng mắc trong việc giải ngân vốn tín dụng cho ND đã được Hội NDVN nhiều lần có ý kiến nhưng hiện chưa được tháo gỡ triệt để.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 30.9.2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 2015. |
TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Vừa qua, chúng tôi có đi nghiên cứu ở 23 tỉnh, thành, qua đó cho thấy ND sản xuất quá nhỏ lẻ và manh mún, trung bình có tới 2,76 mảnh ruộng/hộ. Vấn đề ở đây là phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu chỉ đặt vấn đề yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, thay đổi tiêu chí, điều kiện cho vay thì thực ra không minh bạch, công bằng cho lắm”.
Lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo T.Ư Hội NDVN, doanh nghiệp, ND..., ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những định hướng để thúc đẩy tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, ngành ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Đồng thời, tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia... “Những chính sách nào ưu tiên, ưu đãi nữa trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ được đặt ra nhưng cần có hiệu quả” – ông Tú nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Tú cũng thống nhất với quan điểm của lãnh đạo T.Ư Hội NDVN rằng cần thực hiện tốt nhất Nghị định 55 của Chính phủ bởi nghị định này được coi là sự “cởi mở” rất tích cực cho nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, để cởi nút thắt tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, sẽ cần sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa các bộ ngành, địa phương, các tổ chức xã hội theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ...
Thay đổi tư duy cho vay nông nghiệp Trả lời NTNN bên lề hội thảo, TS Cấn Văn Lực (ảnh) – chuyên gia kinh tế cho rằng cần thay đổi tư duy cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hướng đến thị trường hơn. TS Cấn Văn Lực đánh giá: Về dòng vốn tín dụng của ngân hàng thời gian qua vào nông nghiệp, nông thôn cũng đã có những tiến bộ. Dòng vốn của hệ thống ngân hàng vào lĩnh vực trên hiện đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đó là tỷ trọng tích cực, vì trước đây chỉ đạt 13 – 14%. Dòng vốn này cũng tăng đều 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng. Dòng tín dụng ngân hàng đã có những tiến bộ, đây là tiền đề tốt để nông nghiệp nông thôn phát triển? -Dù vốn tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn tăng nhưng vẫn còn có những vướng mắc liên quan đến thủ tục, giấy tờ còn phức tạp, rườm rà, liên quan đến tài sản thế chấp hay minh bạch thông tin. Ví dụ như Nghị định 67 vẫn cho thấy có sự phối hợp chưa tốt với các bộ ngành để nghị định đi vào cuộc sống hơn. Cơ chế chính sách đã có nhưng tại sao nông dân vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn? - Thứ nhất, chúng ta thấy rằng, chính sách cũng cần có thời gian để đi vào cuộc sống. Thứ hai là nguồn vốn cũng chỉ là một trong nhiều khâu để phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đôi khi người dân thiếu cơ chế chính sách hiệu quả, trong khi lại trông chờ vào đồng vốn. Đồng vốn quan trọng nhưng phải đi sau, cơ chế chính sách đi trước. Như Nghị định 55 đã được ban hành nhưng việc hướng dẫn thực hiện cần phải khẩn trương hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành để nhuần nhuyễn hơn. Tôi thấy rằng chúng ta cũng cần thay đổi tư duy cho vay nông nghiệp, lâu nay chúng ta nghĩ rằng cho vay nông nghiệp là cơ chế trợ cấp, xin cho. Chúng ta phải đi đến tính chất thị trường hơn. Đồng thời, cũng cần hướng dẫn cho người nông dân về kỹ năng sử dụng vốn vay để họ chủ động tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thay vì hiện nay chúng ta chỉ tập trung vào việc giảm lãi suất. Bùi Thanh (ghi) |
Theo Vinh Hải - Thanh Xuân - Nguyễn Hòa (Dân Việt)