Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau gần năm tháng Quyết định 08 có hiệu lực, 60 tỉnh thành đã thẩm định, phê duyệt hỗ trợ cho hơn 1,9 triệu lao động với kinh phí 1.230 tỷ đồng.
Theo đó, cấp huyện đã tiếp nhận được 56.351 doanh nghiệp với trên 2,8 triệu lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, việc giải ngân mới được thực hiện cho 16.436 doanh nghiệp với hơn 1 triệu lao động, với số tiền hơn 728 tỷ đồng, đạt 11,23% so với dự kiến.
Một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn rất thấp như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang…
Tính đến 11/8, có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
giải ngân cao nhất là Bình Dương 84,8 tỷ đồng (phê duyệt hơn 503 tỷ); Đồng Nai gần 175 tỷ đồng (phê duyệt gần 219 tỷ); TP HCM 126 tỷ đồng (phê duyệt 181 tỷ đồng).
Các tỉnh thành giải ngân chậm nhất là Hải Phòng 232 triệu đồng (0,2%); An Giang 72,5 triệu đồng (0,08%). Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…
Thực tế, các địa phương mới giải ngân hơn 728 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 1 triệu lao động.
Trong khi đó, hạn cuối để doanh nghiệp nộp hồ sơ là 15/8 và tới cuối tháng 8 phải hoàn tất chi trả.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh là do ở một số nơi, chính quyền, doanh nghiệp vẫn yêu cầu thêm vài ba loại giấy tờ, khiến hồ sơ thủ tục chậm trễ. Hầu hết doanh nghiệp muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên gói triển khai từ tháng 4 song tới tháng 7 mới làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho lao động.
Trước đó, ngày 9/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải có phương án xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bảo đảm khẩn trương, hiệu quả, trước ngày 15/8 phải họp báo thông báo kết quả.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều nơi tập trung đông công nhân lao động nhưng tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm. Trong số đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở, hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp.