Reuters đánh giá quyết định này của Grab nhằm củng cố vị thế trước đối thủ Go-Jek tại Indonesia - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là thị trường mà Grab phải chùn bước trước đối thủ bản địa.
Theo kế hoạch, các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, hàng tạp hóa, công cụ hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số và các quy trình tự động sẽ là đối tượng Grab hướng tới đầu tư. Các startup nhận vốn sẽ tận dụng kiến thức, nguồn lực công nghệ và mạng lưới từ Grab để phát triển hoạt động.
Giám đốc Grab tại Indonesia - ông Ridzki Kramadibrata cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các công ty khởi nghiệp này nhằm tích hợp vào hệ sinh thái của Grab. Ngoài chúng tôi, hiện ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi Chuxing và SoftBank Group Corp của Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu tìm kiếm các startup, dự định tài trợ vào cuối năm nay”.
Gần đây, Grab đã huy động được thêm 2 tỷ USD từ nhiều công ty tài chính lớn trên thế giới và cho ra mắt quỹ đầu tư Grab Ventures tại Indonesia nhằm phát triển các startup công nghệ ngoài lĩnh vực gọi xe ở nước này, đối đầu trực tiếp với Go-Jek.
Đối thủ Go-Jek của Grab đã phát triển từ một dịch vụ gọi xe thành ứng dụng một cửa cho phép khách hàng Indonesia thực hiện thanh toán trực tuyến và đặt hàng mọi thứ từ thực phẩm, hàng tạp hóa đến cả dịch vụ mát-xa. Công ty này hiện tìm cách mở rộng ở Đông Nam Á đến Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore.
Ông Ridzki Kramadibrata cho biết Grab đang dẫn đầu dịch vụ gọi xe ở Indonesia với 65% thị phần (dựa trên tổng số chuyến đi và giao dịch) và tự tin sẽ có thể tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu của mình. Grab nắm giữ phần lớn thị phần tại 137 thành phố ở Indonesia, so với khoảng 50 của Go-Jek, xử lý hơn 100 triệu giao dịch cho 20-25 triệu người dùng hằng tháng. Grab hiện được định giá khoảng 11 tỷ USD.
Theo báo cáo của Google-Temasek, các dịch vụ gọi xe ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng giá trị hàng hóa lên 20,1 tỷ USD vào năm 2025 từ con số 5,1 tỷ USD vào năm 2017.