Cụ thể, về quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, UBND Thành phố đề xuất chế độ hỗ trợ cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp quyết định và 4 nhóm đối tượng khác tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp mà chưa được quy định tại Nghị quyết 37/NQ-CP của Chính phủ:
Nhóm đối tượng là cán bộ y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản tham gia khoanh vùng, phong tỏa cách ly; Nhóm đối tượng là cán bộ ở bộ phận thu viện phí, phòng vật tư y tế, phòng CNTT trực tại các bệnh viện, cán bộ y tế dự phòng tham gia chống dịch; Nhóm đối tượng là người tham gia hoạt động mai táng và hỏa táng người chết do mắc Covid-19; Nhóm đối tượng là lực lượng tham gia chốt kiểm soát, giám sát chống dịch tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, các tuyến đường giao thông trên địa bàn giáp ranh.
Theo đó, TP. Hà Nội hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày đối với đối tượng tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp mà Chính phủ chưa quy định như cán bộ y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản tham gia khoanh vùng, phong tỏa cách ly, cán bộ ở bộ phận thu viện phí, phòng vật tư y tế, phòng CNTT trực tại các bệnh viện, cán bộ y tế dự phòng tham gia chống dịch, lực lượng tham gia chốt kiểm soát, giám sát chống dịch...
Hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày cho các đối tượng tham gia chống dịch: Người bảo vệ địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư, lực lượng tham gia các chất kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ Thủ đô...
UBND các cấp có trách nhiệm bố trí ngân sách để bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly với mức chi tối đa không quá 100.000 người/ngày. Dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 59.600 triệu đồng, trong đó ngân sách cấp Thành phố là 39,7 tỷ đồng; ngân sách cấp quận, huyện, thị xã là gần 20 tỷ đồng.
Về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước, Thành phố sẽ hỗ trợ các sinh viên đang thuê nhà tại các Khu nhà ở sinh viên do Thành phố quản lý (Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp và Mỹ Đình II), công nhân thuê nhà tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung - Đông Anh, các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà cũ thuộc sở hữu nhà nước.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP là người thuê nhà hợp pháp đang sinh sống tại quỹ nhà nước thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 80 Luật nhà ở số 65/2014/QH13.
Mức hỗ trợ là 50% tiền thuê nhà, từ nguồn ngân sách TP. TP sẽ hỗ trợ các đối tượng trên trong 3 tháng (từ ngày 1/4/2020-30/6/2020).
Đối với cơ chế hỗ trợ giáo viên thực hiện dạy học trên truyền hình, TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ các giáo viên được huy động thực hiện các bài giảng trên truyền hình Hà Nội cho học sinh các lớp học thuộc các cấp học theo yêu cầu của Sở GD&ĐT trong thời gian thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thành phố.
Cụ thể, mức hỗ trợ giáo viên trường công lập tính theo kinh phí thanh toán cho số giờ dạy thêm. Giáo viên trường ngoài công lập hưởng mức 160.000 đồng/giờ dạy với giáo viên chính và mức 140.000 đồng/giờ dạy đối với giáo viên trợ giảng. Kinh phí hỗ trợ các giáo viên từ nguồn ngân sách Thành phố.
Đồng thời, Thành phố thực hiện mức chi hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2020 ứng phó với dịch bệnh Covid- 19. Theo đó, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Thành phố để thuê chuyển phát kết quả đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính này theo giá cước thực tế của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Bưu điện thành phố Hà Nội. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách TP. Thời gian hỗ trợ là từ khi Nghị quyết của HĐND TP có hiệu lực đến hết 31/12/2020.
Về cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không bảo đảm tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đối tượng được áp dụng cơ chế này là các đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang được giao nhiệm vụ tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, sau khi đã áp dụng các biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi nhưng vẫn không bảo đảm tự chủ chi thường xuyên.
Mức chi hỗ trợ bằng số chênh lệch thu-chi hoạt động thường xuyên của đơn vị thực hiện năm 2020 (không bao gồm các khoản chi trích lập quỹ, chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động), tối đa không quá quỹ tiền lương của đơn vị. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp năm 2020.
Như vậy, theo tính toán của các sở chuyên ngành, tổng kinh phí để thực hiện 5 chế độ chi đặc thù nêu trên của Thành phố dự khiến khoảng 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp Thành phố là 351 tỷ đồng, ngân sách các quận là 55 tỷ đồng.
Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố cho rằng với các biện pháp điều hành ngân sách địa phương tích cực hiện nay mà Thành phố đang triển khai, ngân sách địa phương các cấp đủ bảo đảm kinh phí để thực hiện các chế độ chi mới này như UBND Thành phố đề xuất.