Sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập Hà Nội vào tháng 8/2008, một nhóm chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đã bắt tay vào thực hiện dự án nghiên cứu về ảnh hưởng của các chính sách quy hoạch và mở rộng thành phố đối với Hà Nội. Nhóm nghiên cứu bao gồm tiến sĩ Kinh tế nông nghiệp và Hệ thống nông nghiệp Đào Thế Anh, tiến sĩ Nhân học Nguyễn Văn Sửu và 2 tiến sĩ người pháp Sylvie Fanchette (tiến sĩ Địa lý), Emmanuel Cerise (tiến sĩ ngành Kiến trúc).Kết quả nghiên cứu đã được công bố trong buổi hội thảo và triển lãm "Hà Nội, vùng đô thị lớn trong tương lai" tối ngày 8/9 diễn ra tại số 24 Tràng Tiền (Hà Nội). Kết quả chỉ ra rằng việc thực hiện quy hoạch và mở rộng diện tích Hà Nội mang đậm tính chất hành chính, cứng nhắc.
Nhóm nghiên cứu trong cuộc hội thảo (Từ trái qua phải: Emmanuel Cerise, Sylvie Fanchetta, Đào Thế Anh, Nguyễn Văn Sửu) - Ảnh: Phan Minh
Tiến sĩ Đào Thế Anh cho biết: "Ở các vùng nông thôn, người ta dễ dàng nhận thấy sự mâu thuẫn. Trong làng chủ trương phấn đấu nông thôn mới, ngoài đồng lại theo đuổi hướng đi đô thị hóa".Đô thị hóa ở ngoài đồng tức là quá trình thu hồi, quy hoạch ruộng đất canh tác của người dân để xây dựng các nhà máy và khu đô thị mới. Tuy nhiên, những ảnh hưởng mà quá trình này mang lại "lợi thì ít mà hại thì nhiều".
Mô hình diện tích Hà Nội được mô phòng trên sàn khu vực triển làm - Ảnh: Phan Minh
Những lợi ích trước mắt là không thể phủ nhận: mức sống của người dân được nâng cao, cải thiện cả về mặt vật chất và tinh thần nhờ tiền đền bù thu hồi đất. Giá đất khu vực xung quanh đó cũng tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch mua - bán bất động sản.Thế nhưng, việc mất đất canh tác lại khiến tình trạng thất nghiệp trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Điển hình như huyện Hoài Đức, sau khi được quy hoạch và sáp nhập vào Hà Nội, nông dân ở đây đa phần thành thất nghiệp. Người có khả năng thì chuyển sang làm thủ công, người đi vào trung tâm thành phố bán hàng rong, kẻ không nghề nghiệp rơi vào tệ nạn xã hội.Giải thích cho vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Văn Sửu cho biết: Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ việc làm cho nông dân tại các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng trên vùng đất bị thu hồi. Nhưng các khu công nghiệp luôn đòi hỏi tay nghề và tuổi tác của người lao động nên nông dân mất đất rất khó để có việc làm. Mặt khác, dân cư từ nhiều nơi đến cũng tạo ra sự cạnh tranh lớn về nghề nghiệp đối với người địa phương.
Đất thu hồi để quy hoạch bị bỏ hoang tạo nên "trào lưu chăn nuôi trong đô thị" (Ảnh minh họa - Linh San)
Trong khi đó, có những khu đất canh tác của người dân được thu hồi một cách vội vàng nhưng sau 10 năm vẫn không được xây dựng hoặc có xây dựng thành khu đô thị thì cũng không có người ở do chi phí quá cao."Diện tích đất không bị thu hồi đa phần cũng không thể canh tác do các chính sách quy hoạch vô tình đã phá vỡ hệ thống thủy lợi cung cấp chất dinh dưỡng và phù sa cho ruộng đất. Do đó, việc tiếp tục canh tác trở nên vô cùng khó khăn.", tiến sĩ Nguyễn Văn Sửu cho biết thêm.Theo kết quả nghiên cứu, Hà Nội có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống sông nước, ao hồ. Hệ thống này đóng vai trò là "đường ống" thoát nước cho cả thành phố. Việc quy hoạch theo hướng đô thị hóa đã khiến các đường thoát nước tự nhiên này dần biến mất để nhường chỗ cho nhà cửa, đường xá. Vì vậy, trong những năm gần đây, người dân thủ đô không còn xa lạ với cảnh "cứ mưa là ngập".
Hà Nội ngày mưa ngập lụt trên mọi ngả đường (Ảnh minh họa)
Mặt khác, chính sách quy hoạch thành phố chỉ có sự tham gia của Bộ Kiến trúc và Bộ Xây dựng mà không hề có ý kiến của Bộ Nông nghiệp cũng tạo ra sự mất cân bằng không gian. Trong khi bê tông, đường nhựa rất phổ biến ở Hà Nội thì những không gian xanh của thành phố thiếu xót trầm trọng.Một khán giả tham gia hội thảo đã đặt ra câu hỏi: "Liệu đây có phải là cái giá mà chúng ta phải trả khi quy hoạch thành phố một cách vội vàng?". Có lẽ kết quả của dự án nghiên cứu trên là hồi chuông cảnh tỉnh để một ngày nào đó Hà Nội "thay da đổi thịt" theo khuynh hướng tích cực.
Theo Phan Minh/BĐS Việt Nam