Ông Trần Đức Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội số cơ sở thực phẩm ngày càng gia tăng, với khoảng 66 nghìn cơ sở thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 955 điểm giết mổ nhỏ lẻ, 454 chợ, 124 siêu thị... Sản xuất thực phẩm của Thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Trong năm 2018, Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức. Theo đó, đã kiểm tra 120.072 lượt cơ sở, phạt tiền 8.238 cơ sở với số tiền phạt hơn 28 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm tập trung vào các vấn đề như: Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc có nhưng hết hiệu lực; điều kiện vệ sinh cơ sở, bảo quản thực phẩm chưa bảo đảm...
Mặc dù đã triển khai quyết liệt nhưng năm 2018, trên địa bàn thành phố vấn đề ATTP vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 256 người mắc, đã điều tra xử lý kịp thời không có người tử vong. Trong đó điển hình xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại một trường mầm non xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh với 209 người mắc, được điều tra làm rõ nguyên nhân do vi khuẩn Salmonella. Điều tra xử lý 6 trường hợp ngộ độc methanol ở người nghiện rượu, trong đó có 4 người tử vong. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, điều kiện vệ sinh tại các cơ sở này thường không bảo đảm.
Riêng với các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Thời gian qua Thành phố đã chú trọng ban hành và phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP, xây dựng và phát triển các mô hình điểm làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống tiên tiến. Thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm về ATTP. Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất thủ công, cơ sở nhỏ lẻ, trình độ của người sản xuất hạn chế nên vấn đề ATTP chưa được tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ chuyên môn là khó khăn mà cấp cơ sở đang gặp phải trong công tác quản lý về ATTP tại các làng nghề, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về ATTP.
Trước thực trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, trong thời gian tới các địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra gắn với hậu kiểm tra. Đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm dù là nhỏ nhất. Bởi chỉ có như vậy mới tạo nên sức răn đe, chế tài đủ mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
>> Hà Nội xử lý hơn 6.800 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm từ đầu năm