Hà Nội phê duyệt 12 dự án sử dụng vốn đầu tư công

HĐND TP Hà Nội vừa phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội.

12 dự án bao gồm:

1. Xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Bắc Từ Liêm;

2. Xây dựng trường THPT Việt Hùng, huyện Đông Anh;

3. Xây dựng trường THPT Nguyên Khê, huyện Đông Anh;

4. Xây dựng trường THPT Uy Nỗ, huyện Đông Anh;

5. Xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm;

6. Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 trên địa bàn huyện Ba Vì - giai đoạn 1 (đoạn qua thị trấn Tây Đằng), huyện Ba Vì;

7. Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 414C đi xã Thuần Mỹ (nối khu du lịch Suối Hai với khu du lịch nước khoáng nóng Thuận Mỹ), huyện Ba Vì;

8. Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21B đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao thông Ngã Tư Vác, huyện Thanh Oai;

9. Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 đoạn từ Km0+00 đến Km5+900, thị xã Sơn Tây;

10. Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414 đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây;

11. Xây dựng tuyến đường từ đường Dục Nội xã Việt Hùng đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh;

12. Giải phóng mặt bằng và xây dựng hàng rào bảo vệ khu đất 3A1, 3A2 phường Mỹ Đình 1, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, để bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua một số giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Đó là cho phép tiếp tục triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư để trình HĐND TP cho phép cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn triển khai thực hiện trong năm 2020 từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công năm 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác đối với 5 dự án trọng điểm, cấp bách gồm: Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); GPMB vùng bán kính bị ảnh hưởng 500m bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; đường nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với vành đai 3; dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố; GPMB khu đất 3A1, 3A2 phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm để bàn giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phê duyệt cơ chế thu hồi hoàn trả ngân sách Thành phố tương ứng số kinh phí bố trí cho 12 dự án hạ tầng khung thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp thành phố trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Thực hiện thủ tục chuyển nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách và được giải ngân, đến ngày 31/12/2020, từ số vốn kế hoạch năm 2019 chưa sử dụng hết đối với các dự án còn nhiệm vụ chi có nhu cầu kéo dài thời gian thực hiện.

HĐND TP cũng thống nhất việc triển khai Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo từ nguồn vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) với tổng mức đầu tư điều chỉnh 35.679 tỷ đồng. Sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh và hiệp vay được ký vay vốn bổ sung, giao UBND TP xây dựng phương án vay và trả nợ chi tiết, trình HĐND TP xem xét, quyết nghị theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công.Theo đó, HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án (bao gồm 11 dự án nhóm B và 1 dự án trọng điểm nhóm C) sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến 3.892,5 tỷ đồng.

HĐND TP giao UBND TP chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện; Xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí GPMB đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành;

Đối với các dự án trường học cần bổ sung vào quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 và thực hiện ra soát, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng theo quy định.

Đối với các dự án giao thông áp dụng đúng quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn thành phố Hà Nội;

HĐND yêu cầu các chủ đầu tư phải trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi giúp Chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

Trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hàng năm cần cân đối nguồn vốn ngân sách cấp Thành phố và ngân sách cấp huyện (đối với các dự án có sử dụng ngân sách cấp huyện) theo tiến độ đảm bảo hoàn thành các dự án theo thời gian thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm