Hà Nội quyết tăng lượng khách du lịch nội địa sau dịch Covid-19

Ngành Du lịch Thủ đô đang kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi và phát triển lại sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát từ giữa tháng 9.
Hà Nội quyết tăng lượng khách du lịch nội địa sau dịch Covid-19

Dự kiến năm 2020 phấn đấu đón lượng khách nội địa đạt từ 50%-60% so với năm 2019, tương dương từ 7,1-8 triệu lượt khách nội địa.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, 9 tháng năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu nhiều bất lợi nhất. Ngành Du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn khách quốc tế đến và nguồn cầu du lịch trong nước. Đây là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hoạt động du lịch Thành phố đã bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Ước 9 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội giảm 68,7%, tổng thu từ khách du lịch giảm 68,3 %, công suất bình quân khối khách sạn giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước.

9 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,72 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,03 triệu lượt khách, giảm 77,6% so với cùng kỳ năm trước (gồm 752,6 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú và 282 nghìn lượt khách du lịch trong ngày); khách du lịch nội địa ước đạt 5,68 triệu lượt khách, giảm 66,2% so với cùng kỳ năm trước (gồm 1,76 triệu lượt khách du lịch nội địa lưu trú và 3,92 triệu lượt khách du lịch nội địa trong ngày). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, giảm 68,3% so với cùng kỳ năm trước (giảm 50,5 nghìn tỷ đồng).

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu tháng 3/2020 đến nay, khách nước ngoài đến Hà Nội cơ bản là khách công vụ, ngoại giao, người lao động nước ngoài.

Về tình hình kinh doanh khách sạn, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 28,0%, giảm 42,5% so với cùng kỳ năm 2019. Thời điểm ngày 31/8/2020, có khoảng 950 cơ sở lưu trú đang tạm dừng hoạt động (với khoảng 16.000 lao động tại đơn vị). Phân khúc khách sạn cao cấp 3-5 sao như Hilton, Hanoi Opera, Melia, Authentic Hanoi, Thắng Lợi… gặp khó khăn bởi các khách sạn này trước đây chủ yếu phục vụ khách quốc tế lưu trú.

Lượng khách tại các điểm đến du lịch trọng điểm trên địa bàn giảm mạnh từ 75% đến 80% khách từ khi dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020, chủ yếu phục vụ khách lẻ, không có khách đoàn.

Ô ng Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành Du lịch đang tập trung tham mưu Thành phố lựa chọn và ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn trở thành khu, điểm du lịch chất lượng cao; tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch mới, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Nội (gồm: du lịch di sản văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, làng nghề, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại); phát triển các sản phẩm du lịch về đêm; khai thác hiệu quả giá trị văn hóa ẩm thực vào phát triển du lịch Thủ đô; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá, kinh doanh du lịch.

Xem thêm

An Giang “bắt tay” các tỉnh kích cầu du lịch

An Giang “bắt tay” các tỉnh kích cầu du lịch

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch tỉnh trong những tháng cuối năm 2020 là tập trung phục hồi ngành du lịch khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Có thể bạn quan tâm