Hải Dương: Chính quyền "bẻ lái" - DN mắc kẹt

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Sơn trong cuộc trao đổi với Thương Gia xoay quanh những vướng mắc mà DN của ông đang gặp phải do sự bất nhất của chính quyền địa phương.

Quyết tâm thúc đẩy đầu tư được Chính Phủ thể hiện rõ với việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 850/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Nhưng “Mong muốn của Thủ tướng liệu có sớm thành hiện thực khi mà còn quá nhiều vấn đề ở cấp cơ sở. Khi mà ngay cả việc đối xử với các DN đã và đang đầu tư trong nước cũng có quá nhiều vấn đề?” ông Bắc tâm tư.

Thảm đỏ chào đón

Năm 2002, khi quyết định đầu tư về Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Bắc đã quyết tâm về lại nơi chôn rau cắt rốn để xây dựng quê hương với dự án nhà máy sản xuất chăn ga, gối, đệm Canada Home Deco tại thành phố Hải Dương, tổng số vốn 1,8 triệu USD. Sau đó, ông Bắc đã được lãnh đạo tỉnh mời đầu tư vào một khu đất (chủ yếu là thùng vũng sâu 4-12 m, do nhà máy đất sét Trúc Thôn và Cty Khoáng sản Hải Dương khai thác nhưng không hoàn thổ).

Năm 2004 tỉnh Hải Dương đã chấp thuận cho đầu tư dự án tại khu vực này. Dự án ban đầu chỉ có 79 tỷ đồng, và chỉ cần tạo được 23 việc làm cho người lao động, với tên đầu tiên là Trung tâm Huấn nghệ Việt – Mỹ và khu nhà nghỉ dưỡng. Ông Bắc và cộng sự đã bỏ ra gần 2 triệu USD (một con số rất lớn tại thời điểm 2004) đổ hơn 2 triệu m3 đất để san lấp mặt bằng. Năm 2006 tỉnh Hải Dương hoàn tất các thủ tục cấp đất và sổ đỏ giao cho Cty Đại Sơn.

Khu đất thùng vũng được Cty Đại Sơn đổ hơn 2 triệu USD và hàng triệu m3 đất để san lấp
Khu đất thùng vũng được Cty Đại Sơn đổ hơn 2 triệu USD và hàng triệu m3 đất để san lấp

Sau đó, Cty Đại Sơn hợp tác với Cty Qualcom (Hoa Kỳ) và EVN (Việt Nam) để thành lập Cty Cổ phần IQLinks. Cty Đại Sơn đã đồng ý bàn giao và chuyển nhượng lại 30.000 m2 (3 ha) của Cty Đại Sơn cho IQLinks. Tỉnh Hải Dương cũng làm đúng thủ tục và ra quyết định thu hồi 3 ha giao cho IQLinks. Sở KH&ĐT sau khi thẩm định dự án, báo cáo và xin ý kiến Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục thuế, Sở TN&MT cùng các ban, ngành có liên quan.

UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500, với tổng mức đầu tư dự án là 196 tỷ đồng cho hạ tầng. Đây là phần do Cty Đại Sơn tự bỏ tiền, từ san lấp mặt bằng đến các hạng mục công trình.

Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương là ông Nguyễn Mạnh Hiển (hiện là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương) ký cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất nhà nghỉ dưỡng 5,35 ha thành khu đô thị thị Đại Sơn, nằm trong dự án của Cty Đại Sơn. Tất cả các quyết định này đều được các Sở, ban, ngành liên quan làm tờ trình báo cáo UBND tỉnh Hải Dương.

Khi Phó Giám đốc Sở “sửa” Chủ tịch Tỉnh

Thực hiện đúng nghĩa vụ của DN, ngày 6/6/2016, Cty Đại Sơn làm công văn đề xuất với tỉnh Hải Dương xác định rõ tiền thuê đất và tiền phải nộp thuế đất cho khu đô thị Đại Sơn. Tới ngày 21/01/2019, Sở Xây dựng ban hành Thông báo số 92/SXD-QLN gửi Cty Đại Sơn về kết quả thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt.

Dựa vào các căn cứ và nguyên tắc phù hợp với các quy định, hướng dẫn của Nhà nước, Sở Xây dựng Hải Dương xác định: “Giá trị tổng mức đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị Đại Sơn là hơn 196 tỷ đồng”.

Tưởng chừng từ kết quả thẩm định đúng quy định, chủ đầu tư sẽ có cơ sở để hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, câu chuyện lại trở lên rối khi Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương có sự thay đổi lãnh đạo. Theo đó, Tỉnh ủy Hải Dương điều động ông Nguyễn Văn Đoàn (nguyên là Giám đốc Cty TNHH MTV kinh doanh nước tỉnh Hải Dương) về làm Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương. Ông Nguyễn Trọng Hải cũng mới được tỉnh điều chuyển về làm Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương.

Nngày 06/05/2020, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó giám đốc Sở Xây dựng gửi văn bản số 681/SXD-QLN tới UBND tỉnh Hải Dương về việc xác định tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đối trừ khi thu tiền sử dụng đất tại Khu đô thị Đại Sơn. Sở Xây dựng cho rằng đối chiếu các quy định theo điểm 3 của Quyết định chủ trương đầu tư số 3112 thì toàn bộ chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong dự án đô thị bao gồm cả phần chi phí đầu tư các công trình trong khu vực thuộc dự án cũ đã thực hiện thuê đất như: Trường nghề, ký túc xá, hạ tầng xung quanh khu công nghệ cao của Cty IQLINKS được xác định là chi phí đầu tư và đối trừ trong phương án thu tiền sử dụng đất của dự án đô thị.

Trường nghề IQLink nằm trong khu đất mà Đại Sơn đã san lấp mặt bằng (khoanh vàng)
Trường nghề IQLink nằm trong khu đất mà Đại Sơn đã san lấp mặt bằng (khoanh vàng)

“Tuy nhiên, thực tế từ trước tới nay các dự án đầu tư có thuê đất trên địa bàn tỉnh mọi chi phí đầu tư vào đất thuê (kể cả các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu đất được giao thuê) đều do nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện”- văn bản Sở Xây dựng khẳng định.

Vì vậy, Sở Xây dựng đã có báo cáo trên cơ sở ý kiến của liên ngành gửi UBND tỉnh Hải Dương cho phép không đối trừ vào phương án tiền sử dụng đất và tiền thuê đất phải nộp của dự án đô thị đối với phần chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong khu đất thuê dự án cũ (trước khi điều chỉnh quy hoạch thành dự án đô thị).

Ngày 14/05/2020, UBND tỉnh có văn bản số 1598 yêu cầu Sở Xây dựng căn cứ các quy định hiện hành, rà sóat tham mưu phương án cụ thể về xác định tổng chi phí đầu tư hạ tầng để đầu tư tại dự án.

Ngay sau đó, ngày 18/5/2020, Sở Xây dựng gửi văn bản số 751/SXD-QLN tới UBND tỉnh Hải Dương kiến nghị: Để đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp lý trong các văn bản đã ban hành của UBND tỉnh đối với dự án, đề nghị UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT điều chỉnh lại điểm 3 của Quyết định chủ trương đầu tư số 3132 do ông Nguyễn Dương Thái ký theo hướng xác định rõ ranh giới Khu đô thị Đại Sơn đối với các dự án thuê đất trước đây.

Theo đó, phương án tổng chi phí đầu tư hạ tầng của Cty Đại Sơn, Sở Xây dựng xác định chỉ còn hơn 163 tỷ đồng, giảm hơn 33 tỷ đồng hoàn toàn khác với kết quả thẩm định tại văn bản số 92, năm 2019.

Đường bên ngoài trường Nghề Việt Nam - Canada và nhà máy, văn phòng Công ty IQLinks. Bên cạnh vẫn là những thùng vũng hàng chục năm trước
Đường bên ngoài trường Nghề Việt Nam - Canada và nhà máy, văn phòng Công ty IQLinks. Bên cạnh vẫn là những thùng vũng hàng chục năm trước

Trước yêu cầu này của Sở Xây dựng Hải Dương, ông Bắc cho rằng, đây là yêu cầu không thể chấp nhận được. Bởi tất cả diện tích khu đô thị được hình thành từ những thùng vũng “sâu hoắm” mà Cty Đại Sơn phải bỏ hàng triệu USD, đổ hàng triệu m3 đất để san lấp tôn tạo. Trên thực tế, Cty IQLinks chỉ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy trong khuôn viên 3 ha đã được quy hoạch và có tường rào. IQLinks không có trách nhiệm làm bên ngoài tường rào. “Việc bóc tách này là bất hợp lý”, ông Bắc khẳng định.

Điều đáng nói hơn là bất chấp việc là DN có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Cty Đại Sơn lại không được tham vấn, không hề biết và cũng không hề được mời tham gia những cuộc họp rất quan trọng đối với việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, tiền thuê đất của mình. Điều này cũng tước luôn cả quyền đối thoại từ phía DN đối với lãnh đạo các Sở Ban ngành của Hải Dương. Ông Bắc cho biết, sau cuộc họp và sau khi Sở Xây dựng Hải Dương đưa ra đề xuất “trái khoáy” trên, ông có nhiều lần đề nghị gặp lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Dương để đối thoại, tuy nhiên đều bị từ chối.

Ông Bắc cũng đã chủ động kiến nghị với lãng đạo UBND tỉnh Hải Dương về việc sớm thành lập đoàn liên ngành của tỉnh do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn để kiểm tra thực địa tại Cty Đại sơn để có đánh giá chính xác nhất. Tuy nhiên, tới thời điểm này, kiến nghị của phía Đại Sơn vẫn chưa nhận được câu trả lời từ lãnh đạo Hải Dương.

Như vậy, tính từ thời điểm Cty Đại Sơn đề nghị được nộp thuế và tiền thuê đất (6/6/2016) đến nay, gần 5 năm qua, tỉnh Hải Dương vẫn chưa “tính toán” xong câu chuyện của Đại Sơn. Cty Đại Sơn thì vẫn chờ để được thực hiện nghĩa vụ của mình với dấu hỏi ngày càng lớn về thiện chí, về lời hứa của địa phương khi mời gọi DN đầu tư.

“Khi quyết định đầu tư vào một nơi nào đó, đặc biệt lại là nơi chôn rau cắt rốn của mình, các nhà đầu tư luôn muốn sẽ cùng địa phương đồng hành trên 1 hành trình dài. Khi đó nhà đầu tư cũng yên tâm hơn trên con đường của mình, địa phương cũng sẽ được lợi từ sự phát triển của DN. Nhưng tư duy nhiệm kỳ, sự “đứt gãy” về quan điểm kêu gọi đầu tư của lãnh đạo địa phương khi chuyển giao đã khiến những nhà đầu tư như tôi cảm thấy nản và oải vô cùng. Tôi cũng có một số dự án mới muốn triển khai, nhưng với cung cách này, có lẽ sẽ phải xem lại. Đừng nói xa xôi đến chuyện “đón đại bàng” nếu những “chim sẻ” như chúng tôi vẫn đang bị làm khó ngay trên quê hương mình” ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm