Hải Dương: Doanh nghiệp làm công văn "xin" được đón đoàn liên ngành

Sau những nội dung đã được phản ánh trong bài viết "Hải Dương: Chính quyền "bẻ lái" - DN mắc kẹt", Thương Gia tiếp tục nhận được công văn Công ty Đại Sơn gửi UBND tỉnh Hải Dương, "xin" được đón đoàn liên ngành về làm việc tại DN...

Trao đổi với Thương Gia, doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Công ty CP&PT Đại Sơn cho biết, ngày 31/7/2020 DN đã có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương để đề nghị xử lý dứt điểm vụ việc liên quan đến Khu đô thị Đại Sơn của DN. 

DN gửi công văn rồi... chờ

Theo nội dung công văn, ngày 5/6/2020, Cty Đại Sơn đã có công văn số 60/CV-DDC.2020 về việc khiếu nại nội dung công văn số 751/SXD-QLN ngày 18/5/2020 của Sở Xây dựng Hải Dương do ông Nguyễn Trọng Hải ký gửi báo cáo UBND tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, phía DN cũng đã trực tiếp làm việc, trao đổi, cung cấp tài liệu cho các Sở, ngành theo thông báo số 147/TB-VP ngày 19/6/2020 với nội dung là ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng "về việc xác định tổng chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đối trừ khi thu tiền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị Đại Sơn" nhưng tới nay phía Cty Đại Sơn vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào trả lời công văn 60/CV-DDC.2020 của Cty Đại Sơn. 

Theo ông Nguyễn Hoài Bắc, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của DN, công văn của Cty Đại Sơn gửi lãnh đạo tỉnh Hải Dương ngày 31/7/2020 đã khẩn thiết: Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương thành lập đoàn liên ngành xuống thực địa, kiểm tra hiện trạng thực tế Dự án Khu đô thị Đại Sơn để xác định minh bạch, chính xác khối lượng dự án công việc nhà đầu tư đã thực hiện theo Quyết định Chủ trương đầu tư dự án số 3112/QĐ-UBND ngà 02/12/2015 do Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ký. 

Công văn này cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương triệu tập các Sở, ban, ngành có liên quan để đối thoại với DN, đặc biệt là DN muốn làm rõ cơ sở pháp lý để Sở XD tỉnh Hải Dương có văn bản số 751/SXD-QLN ngày 18/5/2020 về việc xác định tổng chi phí đầu tư Hạ tầng kỹ thuật để đối trừ khi thu tiền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị Đại Sơn. 

Phải chăng đây là lý do khiến PCI của Hải Dương chưa thể cao?

Mặc dù thứ hạng PCI năm 2019 của Hải Dương tăng hơn so với năm 2018 nhưng điểm số PCI của tỉnh vẫn thấp hơn điểm trung vị của cả nước. Trong nhóm 33 tỉnh xếp hạng khá về chỉ số PCI, Hải Dương chỉ cao hơn 2 tỉnh khác là Hòa Bình và Quảng Trị. So với các tỉnh có nhiều điểm tương đồng về địa hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì chỉ số PCI của tỉnh còn rất khiêm tốn. Trong 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, PCI của Hải Dương xếp thứ 10/11, chỉ cao hơn tỉnh đứng thứ 11 là Hưng Yên 0,25 điểm và thấp hơn nhiều so với tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh (thấp hơn 9,55 điểm). Mục tiêu phấn đấu PCI của tỉnh năm 2019 ở nhóm 30 tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được. 

Đáng chú ý trong 4 chỉ số giảm điểm của tỉnh thì chỉ số chi phí không chính thức đạt rất thấp, 4,88 điểm. So với năm 2018, chỉ số này giảm 1,33 điểm và là điểm số thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ số chi phí không chính thức của Hải Dương cũng ở mức rất thấp, chỉ cao hơn tỉnh thấp nhất cả nước là Điện Biên 0,18 điểm. Chỉ số chi phí thời gian cũng đạt thấp (6,13 điểm) và giảm 0,77 điểm so với năm 2018.

"So với nhiều tỉnh, thành phố có chỉ số PCI khá và tốt, Hải Dương vẫn còn ở khoảng cách khá xa. Và với những vụ việc như thế này, chắc chắn còn lâu Hải Dương mới bật lên được", ông Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ với Thương Gia. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...