Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa có ý kiến đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.
Theo tờ trình của Ban cán sự Đảng, thực hiện nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Thủy Nguyên được xác định là một trong ba hướng đột phá về không gian đô thị của thành phố, là trung tâm hành chính, chính trị; trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị.
Những năm qua, Thủy Nguyên là huyện có tốc độ phát triển kinh tế luôn vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra và duy trì ở mức cao. Huyện có điều kiện tự nhiên, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, phát triển kinh tế biển, du lịch, ngành nghề truyền thống; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông từng bước được hoàn thiện, đồng bộ. Năm 2020, huyện Thủy Nguyên quyết định đầu tư 30 dự án mới trong năm 2020 tại 22 xã, thị trấn với tổng mức đầu tư hơn 469,7 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công phân cấp cho huyện quản lý hằng năm. Trong đó, có 26 dự án đầu tư trường học; 2 dự án giao thông và 2 dự án trụ sở cơ quan. Các dự án này được triển khai từ năm 2020 đến năm 2022. HĐND huyện cũng quyết định bố trí 368,8 tỷ đồng cho 30 dự án trong năm 2020.
Trên địa bàn huyện có nhiều công trình, di tích lịch sử, văn hóa là tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh như: Di tích Bạch Đằng Giang ở thị trấn Minh Đức, di tích bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê, bãi cọc Đầm Thượng ở xã Lại Xuân... Kết cấu hạ tầng, giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Theo quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025 đô thị thành phố phát triển về phía Bắc huyện Thủy Nguyên để hình thành đô thị mới Bắc sông Cấm, đô thị mới Bến Rừng, 2 đô thị vệ tinh là thị trấn Minh Đức và thị trấn Núi Đèo, 2 xã được nâng cấp đô thị loại 5 là Lưu Kiếm và Quảng Thanh...
Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên trên cơ sở nguyên trạng 261,86 km2 diện tích tự nhiên, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.
Sau khi thành lập thành phố Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện; số đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm. Khắc phục việc một số xã không đáp ứng tiêu chuẩn nâng cấp thành phường; thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có cả xã và phường.
Thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên sẽ tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên địa bàn. Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên nói riêng và TP.Hải Phòng nói chung.
Phù hợp với các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển của huyện Thủy Nguyên. Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, mặt khác sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch...