Trước sự việc hai sản phẩm của Acecook bị thu hồi tại Ireland vì chứa chất cấm, trao đổi với Thương gia, Kỹ sư Hóa học Hà Văn Nam cho rằng: chất Ethylene Oxide không phải là chất bảo quản thực phẩm nên chúng ta có thể loại bỏ việc nhà sản xuất cố tình đưa chất đó vào sản phẩm.
Kỹ sư Nam nói, về bản chất chất Ethylene Oxide có trong nguyên liệu dùng để sản xuất mỳ gói được dùng là bột sắn. Mà nguyên bột sắn ở Việt Nam không đủ để nhiều đơn vị sản xuất mỳ gói nên có thể họ phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ... với giá thành rẻ hơn Việt Nam rất nhiều để sản xuất. Chất Ethylene Oxide có trong bột sắn vì trong quá trình chăm sóc cây sắn có thể người nông dân họ phun thuốc trừ sâu (chất Ethylene Oxide là một thành phần trong thuốc trừ sâu) nên chất Ethylene Oxide bị nhiễm trong nguyên liệu đầu vào.
Kỹ sư Nam tiếp lời, nói như vậy có thể thấy, hiện nay rất nhiều nhà sản xuất mỳ gói ở Việt Nam đều sử dụng nguyên liệu là bột sắn để sản xuất.
Vì thế không loại trừ khả năng những sản phẩm mỳ gói của các hãng khác cũng chứa chất Ethylene Oxide như sản phẩm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay và miến Good vị sườn heo của Công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Phân tích rộng hơn, ông Nam cho rằng không chỉ riêng nguyên liệu bột sắn, hiện nay ở Việt Nam rất nhiều sản phẩm rau củ quả bà con nông dân ngay sau khi phun thuốc trừ sâu đã đem đi tiêu thụ. Như vậy là rất nguy hiểm, "toàn người Việt giết người Việt thôi" .
Phân tích về việc chất Ethylene Oxide sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào, Kỹ sư Nam cho rằng do ở Việt Nam, Bộ Y tế không đưa vào danh mục quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm nên người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng. Tuy nhiên, theo Kỹ sư Nam trước mắt chất này có thể không gây ngộ độc, nhưng về lâu dài nếu người tiêu dùng sử dụng nhiều có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó đặc biệt là ung thư.
Kỹ sư Nam cho biết, ở nước ngoài, đặc biệt là những nước ở châu Âu và Mỹ họ rất khắt khe với sản phẩm có chứa chất Ethylene Oxide. Họ đưa ra tiêu chuẩn sản phẩm rõ ràng, nếu vi phạm có thể nhà sản xuất phải chịu những hình phạt rất cứng rắn, điển hình như vụ việc sản phẩm thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện của Johnson & Johnson.
Từ những phân tích của Kỹ sư Nam, có thể thấy dù Ethylene Oxide là chất hiện nay không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định, nhưng về lâu dài để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của người tiêu dùng trong nước, các cơ quan quản lý cần cân nhắc đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng hoặc loại bỏ chất này khỏi những sản phẩm thực phẩm!