Vi phạm tiêu chuẩn của Ireland, hai sản phẩm của Acecook bị thu hồi
Ngày 20/8 nhiều cơ quan truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin, trên trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mỳ ăn liền Good và Hảo Hảo.
Theo FSAI, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa ethylene oxide. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Người tiêu dùng ăn phải chất này không có nguy hiểm cấp tính nhưng có thể gặp vấn đề sức khoẻ nếu ăn phải ethylene oxide trong một thời gian dài. Cơ quan này cảnh báo cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chất này. Thông tin cụ thể về lô hàng có nguồn gốc từ Việt Nam bị thu hồi gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), hai thương hiệu này do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Trên trang web của Acecook Việt Nam (acecookvietnam.vn), mì Hảo Hảo được giới thiệu là sản phẩm được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, công nghệ Nhật Bản, với sự điều hành, hỗ trợ và giám sát liên tục, tỉ mỉ của chính nguồn nhân lực Nhật Bản cùng đội ngũ nhân sự người Việt được đào tạo bài bản tại Acecook chính là “bảo chứng” cho chất lượng của mỗi gói mì Hảo Hảo trước khi được tung ra thị trường. Đây cũng chính là tôn chỉ giúp thương hiệu mì Hảo Hảo luôn là sự lựa chọn an toàn, chất lượng và phù hợp với người tiêu dùng Việt ngay từ khi mới “ra mắt” thị trường vào năm 2000.
Các cơ quan chức năng cần làm gì?
Trước sự việc trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đưa ra lời khuyên: Trước hết Công ty Acecook Việt Nam cần nhanh chóng xác minh lại thông tin xem lý do mà FSAI thu hồi là gì, đồng thời phải kiểm tra lại xem có đúng sản phẩm và lô hàng đó có đúng là của mình không. Tiếp đến phải kiểm định lại xem sản phẩm có đạt tiêu chuẩn của Ireland đưa ra hay không. Trong trường hợp cần thiết, Công ty Acecook Việt Nam có thể thuê một đơn vị kiểm định độc lập sau đó công bố cho người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng trên toàn thế giới biết.
Về phía các cơ quan chức năng tại Việt Nam, để bảo vệ người tiêu dùng thì Hội Bảo vệ người tiêu dùng cùng các cơ quan chức năng có liên quan phải vào cuộc xác minh, lấy mẫu hai sản phẩm đó và đem đi kiểm định xem có đạt tiêu chuẩn để lưu hành trong nước hay không. Nếu đạt tiêu chuẩn thì tiếp tục cho lưu hành, còn ngược lại cần thu hồi và cảnh báo cho người tiêu dùng biết vì nó ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân.
Phân tích sâu hơn, Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty, Chủ tịch SEALAW Group cho rằng đây là một vụ việc rất khó để phân biệt đúng sai. Để chứng minh cho quan điểm của mình, Luật sư Thuật lấy ví dụ như sản phẩm Cocacola sản xuất tại Campuchia thì họ ghi luôn là chỉ bán tại Campuchia chứ không được bán tại Việt Nam. Có thể sản phẩm sản xuất và bán tại Campuchia họ cho thêm một vài chất gì đó và chỉ dành riêng cho người Campuchia mà Chính phủ họ chấp nhận, nhưng sản phẩm đó sang Việt Nam lại không được bán. Nếu sản phẩm đó nhập khẩu lậu sang Việt Nam bán thì cũng là của Cocacola nhưng nếu các cơ quan chức năng ở Việt Nam thu được lại bảo không đảm bảo vì có chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Như vậy, cùng 1 nhãn hàng, cùng 1 sản phẩm đó có khi sang nước khác bị điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của quốc gia đó, nên đánh đánh giá có vi phạm hay không đạt yêu cầu phải dựa vào tiêu chuẩn. Mà tiêu chuẩn quốc tế chỉ là chung, còn mỗi quốc gia lại có tiêu chuẩn riêng.
Quay trở lại với câu chuyện hai sản phẩm của Công ty Acecook Việt Nam bị thu hồi ở Ireland, Luật sư Thuật cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại xem có vi phạm tiêu chuẩn của Việt Nam hay không. Nếu không đạt thì các cơ quan chức năng cần xử lý theo hướng yêu cầu đơn vị sản xuất loại bỏ chất đó ra khỏi sản phẩm, còn nếu đạt tiêu chuẩn thì không xử lý được.
Những bài học đặt ra!
Từ câu chuyện hai sản phẩm của Công ty Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland và trước đây là sản phẩm tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic... ) tại Nhật Bản, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh giảng viên Học viện Tài chính cảnh báo sức khỏe của người tiêu dùng từ lâu nay luôn luôn bị coi nhẹ.
Từ trước tới nay, đa số các sản phẩm được lưu hành ở Việt Nam đều áp dụng tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Sản phẩm nào cũng ghi tiêu chuẩn cơ sở (ký hiệu là TCCS) như thế là rất nguy hiểm, không ai kiểm soát được.
Từ thực tế trên đặt ra một bài học rất lớn về công tác quản lý tiêu chuẩn chất lượng đối với tất cả các loại hàng hóa. Do vậy, để những loại thực phẩm từ trái cây, nước tương và các loại thực phẩm ăn liền được an toàn, theo PGS – TS Thịnh Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần đưa ra những tiêu chí cụ thể cho từng loại sản phẩm, hàng hóa một cách rõ ràng sau đó đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước đưa vào quy định. Khi đã đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể thì nhà nước rất dễ kiểm soát, còn người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất sản phẩm nếu họ làm không đúng tiêu chuẩn.
Đối với các doanh nghiệp, PGS – TS Thịnh cho rằng: bài học cho họ là tính trung thực trong sản xuất và kinh doanh. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được thì phải đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Một sản phẩm ông muốn người tiêu dùng đón nhận sử dụng thì ông phải làm sản phẩm đó như sản phẩm của mình làm cho mình sử dụng, chứ đừng đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng hoặc chứa những chất làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người khác.
Đặc biệt, PGS – TS Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thị trường, đồng thời chú ý đến quy định luật pháp và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của nước sở tại. Nếu không tìm hiểu kỹ mà doanh nghiệp cứ sản xuất hàng hóa và xuất đi chẳng khác nào việc các doanh nghiệp tự đâm đầu vào đá, rất dễ bị thiệt hại.