Hai tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ giảm mạnh do thiếu đơn hàng và nghỉ Tết kéo dài

Việc trạng thiếu đơn hàng và nghỉ Tết kéo dài là những nguyên nhân chính khiến trị giá xuất khẩu gỗ và các mặt hàng liên quan giảm mạnh trong hai tháng đầu năm nay...

Cụ thể, hai tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Haỉ quan, Cục Xuất nhập khẩu thông tin, dù hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2023 vẫn giảm là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó.

Hai tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ giảm mạnh. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 164 triệu USD, giảm 52,9% so với tháng 01/2022.

Xuất khẩu gỗ giảm mạnh do thiếu đơn hàng và nghỉ Tết kéo dài
Xuất khẩu gỗ giảm mạnh do thiếu đơn hàng và nghỉ Tết kéo dài

Tiếp đến là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 119,3 triệu USD, giảm 63,1%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 79,5 triệu USD, giảm 64,7%...

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 1/2023, chỉ có mặt hàng viên nén gỗ có trị giá tăng và mặt hàng dăm gỗ có trị giá giảm nhẹ so với tháng 1/2022. Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dăm gỗ và viên nén gỗ. Do đó, lượng xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong năm 2022 lượng xuất khẩu viên nén đạt trên 4,88 triệu tấn, tăng 39,35% so với cùng kỳ 2021. Giá trị xuất khẩu viên nén của năm 2022 đạt trên 787 triệu USD, tăng hơn 90% so với cùng kỳ 2021.

Giá viên nén xuất khẩu trung bình năm 2022 ở mức cao kỷ lục so với 10 năm trước đó. Giá đã tăng liên tục kể từ tháng 1/2022 và có dấu hiệu hơi chững lại trong giai đoạn tháng 6/2022 đến tháng 9/2022, nhưng bật tăng trở lại và đạt mức kỷ lục hơn 189 USD/tấn vào tháng 12/2022. Lượng viên nén xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm lần lượt 97,5% tổng lượng và 96,7% tổng kim ngạch viên nén xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, thị trường Nhật Bản có lượng nhập khẩu tăng đột biến so với 2021.

Hồi đầu năm nay, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, 2022 là năm khó khăn nhất từ trước đến nay đối với ngành gỗ, nhưng kết thúc năm vẫn đạt tăng trưởng trên 7%. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản…còn lại các thị trường như Bắc Mỹ và EU không tăng do suy thoái.

Năm 2023, ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm sẽ còn nhiều khó khăn, ngành gỗ dự tính phải hết quý II năm 2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7-9%, tương đương 18 tỷ USD trở lên.

Để làm được điều này, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng loạt các giải pháp. Theo đó, đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp, ông Lập cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm