Xuất khẩu nông sản: Khi rủi ro “to" hơn cơ hội

Trung Quốc mở cửa thông quan hàng hóa trở lại khiến các doanh nghiệp tin tưởng xuất khẩu nông sản sẽ tăng trưởng mạnh. Nhưng lần trở lại này, Trung Quốc lại là một thị trường "khó tính"...
Xuất khẩu nông sản: Khi rủi ro “to" hơn cơ hội

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành nông nghiệp, đóng góp chủ lực (chiếm khoảng 77%) trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế năm 2022.

Những tín hiệu tích cực

Đà xuất khẩu nông sản của năm 2022 tiếp tục được kéo sáng tháng 1/2023. Theo đó, dù trong tháng 1 trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhưng xuất khẩu nông sản cũng kịp “bỏ túi” 3,7 tỷ USD.

Song, nếu xét chi tiết về cơ cấu, diễn biến giá xuất khẩu của các mặt hàng lại trái ngược nhau. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước trong tháng 1/2023 đạt 30 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, rau quả tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các mặt hàng khác như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thủy sản đều ghi nhận giảm sút.

Nhìn chung, những ngành có thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc đều ghi nhận giá  tăng mạnh, còn xuất khẩu cho các thị trường khác như EU, Nhật Bản… đều ghi nhận giảm.

Xuất khẩu nông sản: Khi rủi ro “to” hơn cơ hội

Trước đó, thống kê của Bộ Nông nghiệp năm 2022 cũng cho thấy, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021 và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp, Trung Quốc mở cửa đã tạo ra hiệu ứng tốt đối với tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi đến giữa tháng 2/2023, cửa khẩu ở Lào Cai có trên 500 xe hàng hoá xuất, nhập khẩu qua lại mỗi ngày và ở tỉnh Lạng Sơn là trên 800 xe mỗi ngày.

Do đó, việc Trung Quốc mở cửa thương mại bình thường trở lại sau Covid-19 từ ngày 8/1 vừa qua là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2022, nếu so sánh giữa kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc với tổng xuất khẩu của Việt Nam thì chỉ chiếm 30%, nhưng so với tổng kim ngạch nhập khẩu cảu Trung Quốc lên tới 259 tỷ USD thì nông sản Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 5%.

Do đó, thị trường Trung Quốc vẫn đầy tiềm năng so với doanh nghiệp nông sản của Việt Nam. Những tín hiệu khả quan từ cuối năm 2022 đến nay, khiến giới chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt kết quả khả quan, khoảng 54 tỷ USD.

Cẩn trọng thị trường khó tính

Trung Quốc mở cửa tạo nên cú hích tinh thần khá lớn cho xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, lần mở cửa này của Trung Quốc lại đẩy nhiều loại nông sản vào “thế khó”.

Bởi chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc thay đổi theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Từ trước đến nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua tiểu ngạch, đồng thời xem Trung Quốc là một thị trường dễ tính. Do đó, khi Trung Quốc nâng các rào cản kỹ thuật, chỉ có những mặt hàng chính ngạch mới có cơ hội được xuất khẩu nhiều hơn.

Hiện, Trung Quốc mới chỉ cấp mã chính ngạch cho 16 mặt hàng thực vật được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.

Xuất khẩu nông sản: Khi rủi ro “to” hơn cơ hội
Nông sản chính ngạch sang Trung Quốc vướng nhiều rào cản kỹ thuật

Ngược lại, nếu sản phẩm của Việt Nam qua các rào cản này, sẽ tiếp cận được nhóm khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc. Nhưng xét trên phương diện các trang trại chủ yếu nhỉ lẻ, manh mún như hiện nay, thì việc đạt các tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng cần thời gian.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận xét, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn, thách thức vẫn rất lớn, cung cầu có dấu hiệu sụt giảm ở một số lĩnh vực. Năm 2023, giá vật tư, nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, khi các nước mở cửa sau Covid-19 sẽ có những rào cản mới. Đặc biệt, Trung Quốc mới mở tuyến đường sắt nối trực tiếp đến các nước Thái Lan, Lào sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, để khác phục những vấn đề trên, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn. Cơ quan quản lý cũng sẽ có những chính sách, cơ chế, nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu sang thị trường cũ mà mới này.

Quan ngại tiêu dùng trong nước

Những tín hiệu xuất khẩu tích cực từ hậu Covid–19 tương ứng với doanh thu xuất khẩu của Việt Nam tăng cao. Ngược lại, giá cả xuất khẩu tăng cao trong khi sản lượng nông sản bị giới hạn, tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn về thiếu hụt hàng tiêu dùng trong nước.

Ví dụ như sầu riêng, từ đầu tháng 2/2023, Trung Quốc mua sầu riêng với giá cao, khiến giá sầu riêng trong nước cũng tăng theo. Tại vùng trồng sầu riêng tỉnh Tiền Giang, giá đã tăng gần gấp đôi.

Hay như giá gạo trong thời gian qua tăng đột biến, một số doanh nghiệp như Công ty Phương Đông (Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc) cho biết "không có gạo để xuất".

Nông sản, như rau củ vốn là những hàng tiêu dùng thiết yếu. Nếu cứ theo đà tăng giá của thế giới mà xuất khẩu nhiều, kéo theo giá tiêu dùng trong nước tăng theo, thì vô hình chung tạo ra mối nguy ngầm cho kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể bạn quan tâm