Hai triển lãm về công nghiệp hỗ trợ sẽ diễn ra đồng thời vào tháng 8 tới

Sáng nay (30/5), lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và công bố “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 20
Hai triển lãm về công nghiệp hỗ trợ sẽ diễn ra đồng thời vào tháng 8 tới

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và công bố “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)”

Với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công nghệ và máy móc tiên tiến, “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)” sẽ được diễn ra đồng thời vào ngày 14-16/8 tới tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn Hóa). Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt ba ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.

Sự kiện do Reed Tradex – nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Ngân - Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam cho biết, sự kiện lần này sẽ là cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các công ty sản xuất linh kiện, các nhà sản xuất, lắp ráp trong ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan.

Một trong các hoạt động xúc tiến thương mại tối ưu nhất chính là tham gia các triển lãm quốc tế, cầu nối giao thương quan trọng để các nhà sản xuất khám phá và cập nhật những giải pháp và công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời điểm hiện tại và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tiềm năng trong tương lai.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, triển lãm là cơ hội để kết nối các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ trong nước, giúp tìm hiểu nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như xu hướng sử dụng các linh kiện công nghiệp. Do vậy, các sự kiện sắp tới sẽ đầy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

Các đại biểu tham dự lễ công bố

Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, nhận định: Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36.3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “Ngành công nghiệp hỗ trợ” phần lớn do doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam.

“Nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao” - ông Hironobu Kitagawa khẳng định.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương bày tỏ, nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.”

Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ những rào cản, cụ thể hóa nhiều giải pháp hỗ trợ, nổi bật là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với Nghị định số 39/2018/NĐ-CP…

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, “Diễn đàn Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam 2019” (VME Forum 2019) đã được tổ chức buổi chiều cùng ngày với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện, chế tạo phụ tùng công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm