Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư e ngại việc thành lập mới hãng hàng không ở thời điểm này sẽ thêm khó khăn khi Covid-19 đang ảnh hưởng nặng tới lĩnh vực này. Thời điểm thích hợp lập mới hãng hàng không, theo nhận định, là sau năm 2022 khi thị trường đã hồi phục.
Theo Bộ này, thay vì thành lập hãng hàng không mới, nên tập trung phục hồi thị trường hàng không trong nước, quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không hiện có.
Quan điểm "chỉ nên cấp phép hãng hàng không mới sau năm 2022" cũng từng được Bộ Giao thông Vận tải nêu trong văn bản gửi Thủ tướng trước đó.
Trong các văn bản thẩm định việc lập hãng Hàng không Cánh Diều gửi Chính phủ trước đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, hãng đã thực hiện các căn cứ pháp lý đầy đủ để có thể xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án. Bộ Giao thông vận tải cũng có ý kiến thẩm định, dự án hàng không Cánh Diều phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển ngành hàng không Việt Nam.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 4 năm nay khi Covid-19 bùng phát mạnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát và cân nhắc xem xét việc cấp phép lập hãng hàng không mới, trong đó có Kite Air.
Hãng hàng không Cánh Diều là dự án của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, có tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ (18% tổng vốn đầu tư), vốn vay 4.500 tỷ (82% vốn đầu tư). Mục tiêu Kite Air hướng tới là trở thành hãng hàng không chi phí thấp kết nối người dân các địa phương có hạ tầng sân bay chưa phát triển thông qua khai thác. Theo kế hoạch ban đầu, Kite Air dự kiến cất cánh trong quý II năm nay.
Hãng đặt mục tiêu nếu được cấp phép, trong giai đoạn đầu sẽ khai thác 6 tàu bay ATR 72 trên các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đến các sân bay địa phương như Điện Biên, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo... Từ năm thứ hai sau thành lập hãng sẽ khai thác thêm các đường bay quốc tế và mở rộng phạm vi khai thác từ năm thứ ba.