Hàng không Việt Nam đang lấy lại vị thế?

Việt Nam cần tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.
Thị trường hàng không đã có khởi sắc. (Ảnh: Int)
Thị trường hàng không đã có khởi sắc. (Ảnh: Int)

Nhiều đường bay quốc tế được mở lại, tần xuất khai thác chuyến tăng lên cho thấy trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, tín hiệu hồi phục của thị trường hàng không ngày một rõ nét sau thời gian dài “ngủ đông”.

Báo hiệu một năm khởi sắc?

Sau 2 năm thị trường hàng không nội địa bị hạn chế và hàng không quốc tế đóng cửa, đến đầu năm 2022 các hãng bay Việt đã khôi phục phần lớn đường bay trong nước và sẽ nối lại đường bay quốc tế hoàn toàn vào 15/3, báo hiệu một năm khởi sắc cho ngành này. 

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không tháng 2/2022 đạt 6,16 triệu lượt (tăng 57,8% so với tháng 2/2021). Trong đó, khách quốc tế đã bắt đầu vượt mốc hơn 100.000 lượt khách (tăng 350% so với tháng 2/2021). Sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng bay trong nước đạt 3 triệu lượt khách (tăng 56,8%) và 39.400 lượt khách quốc tế (tương ứng mức 3.009% so với cùng kỳ 2021).

Còn thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho thấy, hiện tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi, đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày. Tuy nhiên tần suất này chỉ đạt khoảng 10% so với thời điểm năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.

Tính đến nay, Việt Nam mở lại đường bay đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Australia, Nga và Mỹ.

Còn lại 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macau, Phần Lan, Italy và Thụy Sỹ.

Hiện nay có 6 hãng hàng không, bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và VASCO, khai thác 56 đường bay nội địa với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều, tương đương 367 chuyến/chiều/ngày, giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều, tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày so với lịch bay mùa đông năm 2019. 

Cần lấy lại vị thế

Đánh giá về thị trường hàng không thời gian gầy đây, ông Bùi Minh Đăng - Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, thị trường này cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc tốt khi khách du lịch bắt đầu quay trở lại. Tính đến ngày 23/2, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên con số này còn rất nhỏ so với lượng khách 4 triệu khách/tháng thời kỳ cao điểm năm 2019 nhưng vẫn là con số ấn tượng vì chúng ta vừa mở lại sau thời kỳ dịch.

So sánh trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi, đến Việt Nam khoảng từ 40.000-50.000 khách/tháng. Thì con số trong 2 tháng qua cho thấy là một tín hiệu tốt cho thị trường hàng không.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022 Việt Nam sẽ đón 42-43 triệu hành khách, tương đương hơn 50% so với năm 2019, đây là một tín hiệu đáng mừng vì 2 năm dịch bệnh chúng ta hầu như “trắng tay”.

Cũng theo ông Bùi Minh Đăng, trên thực tế, có tới 70% khách đi hàng không là du lịch. Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn để hỗ trợ cho ngành hàng không.

Theo TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 29.500 lượt người (tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ). Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 49.200 lượt người (tăng 71,7%). 

Đóng góp của ngành hàng không và du lịch vào nền kinh tế là rất lớn, dịch COVID-19 vừa qua khiến nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp bị gián đoạn. “Sau hai năm đứt gãy, việc khôi phục hàng không, du lịch sẽ tạo hứng khởi mới cho sự phục hồi của nền kinh tế”, TS. Thiên nói.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng không gần như đóng băng 2 năm qua, do đó phải từng bước khắc phục những dịch vụ đã đứt gãy một cách kiên trì và nhanh chóng.

“Việt Nam cần tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế 1 trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng”, ông Nề nói.

Có thể bạn quan tâm