Hàng loạt cổ phiếu đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Thua lỗ liên tục, chậm nộp báo cáo tài chính năm 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ... là những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc...

Hàng loạt cổ phiếu đứng trước nguy cơ hủy niêm yết

Như thường lệ, hàng năm, thị trường chứng kiến có không ít cổ phiếu phải nói lời “chia tay” với sàn chứng khoán sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán. Năm nay cũng không ngoại lệ, khi nhiều mã đã lọt vào danh sách “báo động” với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.

Phần lớn các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ này đều do thua lỗ liên tục trong 3 năm hoặc lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp. Bên cạnh đó, việc chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hủy niêm yết.

Tiêu biểu nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: SMC) đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý 4/2024, ghi nhận lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm, lần lượt ở mức 224 tỷ đồng và 287 tỷ đồng.

Hiện cổ phiếu SMC đang nằm trong diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 đều âm. Vì vậy, HOSE đã lưu ý rằng nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục ghi nhận lỗ, SMC có thể bị hủy niêm yết bắt buộc.

Theo giải trình của công ty, thị trường thép vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá thép liên tục suy giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn ở mức thấp do ngành bất động sản chưa thực sự hồi phục. Điều này trực tiếp tác động đến sản lượng và doanh thu của công ty.

Cổ phiếu LEC của Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung cũng đang đối diện nguy cơ rời sàn nếu báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2024 tiếp tục ghi nhận thua lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024, công ty lỗ ròng gần 40 tỷ đồng trong năm, nâng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2024 lên hơn 7 tỷ đồng.

HOSE nhấn mạnh, hiện cổ phiếu LEC đang bị đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, dù trước đó đã thuộc diện hạn chế giao dịch. Đồng thời, cổ phiếu này cũng bị kiểm soát vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 đều âm, cùng với nhiều vi phạm khác.

Trong khi đó, ngày 22/1/2025, HOSE đã tiếp nhận báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã chứng khoán: AGM). Báo cáo cho thấy lợi nhuận sau thuế lũy kế của cổ đông công ty mẹ âm 251,4 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 417,3 tỷ đồng – con số này đã vượt quá vốn điều lệ thực góp (182 tỷ đồng), khiến vốn chủ sở hữu âm 235,3 tỷ đồng.

Với tình trạng tài chính hiện tại, HOSE cảnh báo cổ phiếu AGM có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 tiếp tục thua lỗ hoặc nếu tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, hay vốn chủ sở hữu vẫn âm.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Viglacera Đông Triều (mã chứng khoán: DTC), cũng vừa nhận thông báo từ HNX về nguy cơ bị hủy niêm yết do thua lỗ ba năm liên tiếp. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, DTC lỗ gần 37 tỷ đồng, trước đó đã ghi nhận mức lỗ gần 8 tỷ đồng năm 2022 và 44 tỷ đồng năm 2023. Tính đến cuối năm 2024, lỗ lũy kế của công ty đã lên tới gần 88 tỷ đồng.

DTC giải trình rằng, trong năm 2024, sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hàng tồn đọng kéo dài, doanh thu sụt giảm, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào như than, dầu vẫn tăng cao. Mặc dù công ty đã triển khai nhiều biện pháp cắt giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm so với năm 2023, nhưng lợi nhuận vẫn không cải thiện.

Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý rằng, những sự kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2024 vẫn được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục, do DTC thuộc hệ thống Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã chứng khoán: VGC), nên tiếp tục nhận được hỗ trợ về tài chính, nguồn lực và công nghệ từ Tổng công ty cùng các bên liên quan. Ngoài ra, DTC cũng cho biết đã hoàn thành việc gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ nguyên liệu Tràng An và sẵn sàng đưa vào khai thác để phục vụ sản xuất cũng như cung ứng cho khách hàng.

Trường hợp của Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (mã chứng khoán: VNE) cũng đang nhận được sự lưu ý từ HOSE về nguy cơ hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán. Trước đó, VNE đã vi phạm lỗi này trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023).

Theo báo cáo tài chính quý 4/2024, VNE ghi nhận doanh thu thuần 225,3 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Công ty lỗ sau thuế xấp xỉ 126 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 29 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận gộp trong kỳ không đủ bù đắp các chi phí.

Tính chung cả năm 2024, VNE đạt 701 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 34% so với năm trước, đồng thời ghi nhận lỗ ròng gần 230 tỷ đồng – mức thua lỗ tăng mạnh so với con số gần 29 tỷ đồng của năm 2023. Với tình hình tài chính suy yếu và vi phạm về công bố thông tin, VNE có nguy cơ cao bị hủy niêm yết nếu không cải thiện tình trạng hiện tại.

Xem thêm

Hạn chế mua mới đối với cổ phiếu đang ở vùng giá cao

Hạn chế mua mới đối với cổ phiếu đang ở vùng giá cao

Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đang có đà tăng tốt trong danh mục và chưa xuất hiện tín hiệu đảo chiều giảm điểm, tuy nhiên, cần hạn chế giải ngân mua mới đối với cổ phiếu đang ở vùng giá cao và chưa có tín hiệu kiểm tra kháng cự thành công...

VNX báo lãi hơn 2.200 tỷ đồng năm 2024

VNX báo lãi hơn 2.200 tỷ đồng năm 2024

Doanh thu của VNX trong năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với năm trước, với động lực chính đến từ hai đơn vị thành viên là HOSE và HNX...

Rủi ro tạo bull-trap đảo chiều ngày càng gia tăng

Rủi ro tạo bull-trap đảo chiều ngày càng gia tăng

Chỉ số VN-Index dần suy yếu và mất đà sau khi tiếp cận vùng kháng cự gần, việc xuất hiện bóng nến trên kéo dài ngay tại vùng đỉnh ngắn hạn đang bỏ ngỏ rủi ro tạo bull-trap đảo chiều ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến các nhịp điều chỉnh sâu hơn...

Có thể bạn quan tâm

Cổ phiếu KPF vào diện đình chỉ giao dịch

Cổ phiếu KPF vào diện đình chỉ giao dịch

Cổ phiếu KPF của Đầu tư Tài sản Koji bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024, bên cạnh đó doanh nghiệp này đang đối mặt với khó khăn về tài chính và kinh doanh...

Quỹ đầu tư giao dịch trầm lắng

Quỹ đầu tư giao dịch trầm lắng

Trong tuần từ ngày 10 - 14/2, hoạt động giao dịch của các quỹ đầu tư chứng kiến sự trầm lắng đáng kể, diễn ra trong bối cảnh thị trường liên tục chứng kiến những biến động khó lường...