“Đứa con vô thừa nhận”
Chặng đường phát triển của kinh tế tư nhân là con đường gập ghềnh và nhiều sóng gió tại Việt Nam. Từ năm 1975, trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khu vực kinh tế tư nhân không nằm trong định hướng phát triển của nền kinh tế. Vì vậy năng lực và động lực sáng tạo gần như bị triệt tiêu; sức sản xuất bị kìm hãm…
Trong bối cảnh đó, năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI với chính sách “Đổi mới” đặt dấu mốc vô cùng quan trọng cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân chính thức được công nhận là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và của nền kinh tế nhiều thành phần. Thay đổi trong nhận thức của Đảng đã tạo một bước ngoặt lớn cho khu vực kinh tế tư nhân, soi rõ và chỉ dẫn con đường mới cho thành phần kinh tế nhiều tiềm năng này.
Tuy nhiên, từ chỗ kỳ thị kinh tế thị trường chuyển sang thừa nhận và phát triển kinh tế thị trường, Việt Nam không tránh khỏi tình trạng “rón rén”, “dò đá qua sông” khi phát triển kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Sau hơn 30 năm đổi mới, năm 2017, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương TW5 Khóa XII, đã ban hành Nghị quyết 10 riêng về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa. Chủ trương của Đảng thể hiện rõ rằng, cần khuyến khích phát triển và hình thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn.
Hành trình thay đổi quan điểm nhận thức của Đảng cũng là một chặng đường đổi thay nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân. Với việc nhấn mạnh khu vực tư nhân là “động lực quan trọng” của nền kinh tế, chủ trương của Đảng đã tháo gỡ mọi vướng mắc trong nhận thức, mở đường cho thành phần kinh tế này trở mình “lột xác”, phát triển.
Khẳng định vai trò “đầu tàu”
Nói về vai trò của kinh tế tư nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng "Sứ mệnh quan trọng nhất hiện nay đang được giao vào tay các doanh nghiệp tư nhân".
Đồng tình với nhận định trên, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng khẳng định: “Phát triển doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với hiệu quả hoạt động, tạo công ăn việc làm và thịnh vượng trong mỗi nền kinh tế”.
Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã ghi nhận nhiều thành tựu, bước phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực quan trọng với tăng trưởng kinh tế.
Tại Báo cáo “2 năm thực hiện nghị quyết trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã cho thấy sự chênh lệch lớn giữa khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.
Cụ thể, về đóng góp GDP, báo cáo cho hay trong 3 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm hơn 40% GDP. Đến 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP, gấp 1,5 lần khu vực kinh tế nhà nước và con số này có dấu hiệu tiếp tục tăng lên.
Về đầu tư phát triển và thương mại, trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm).
Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017: 40,6% và năm 2018: 43,27%).
Nói riêng về thu ngân sách, thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh (trên 15%/năm) cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Về tạo việc làm, năm 2018, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người. Mức độ tăng trưởng áp đảo của kinh tế tư nhân so với kinh tế nhà nước và khu vực FDI gần như là tuyệt đối.
Cần nhiều hơn những “sếu đầu đàn” để vươn ra thế giới
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Quốc gia nào cũng có chủ trương xây dựng những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn có tính chất xuyên quốc gia, mang tính dẫn dắt. Việt Nam cũng mong muốn và chủ trương phải có những doanh nghiệp tầm cỡ như vậy. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế về lao động, năng lực sản xuất, thu ngân sách”.
Nếu như Hàn Quốc có Samsung, Nhật Bản có Toyota… thì Việt Nam cũng có các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đóng vai trò sếu đầu đàn của nền kinh tế. Ở mỗi lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có dấu ấn của những Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vingroup, Sun Group, Viettel, FLC, FPT, TH True milk…
Nói về lĩnh vực du lịch giải trí, không thể không nhắc đến Sun Group, sau hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Sun Group đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu cả nước kiến tạo nên những công trình, dịch vụ, sản phẩm du lịch xứng tầm quốc tế, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.
FPT từ một doanh nghiệp nhà nước, sau khi cổ phần hóa đến nay đã trở thành tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam và là công ty xuyên quốc gia kinh doanh tại 21 quốc gia trên thế giới.
Các tập đoàn kinh tế hùng mạnh này không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn đạt đến tầm cỡ khu vực và thế giới là biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam. Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tư nhân lớn để tiếp tục nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế như phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019: "Đến năm 2025-2030, chúng ta có khoảng vài ba chục con sếu đầu đàn thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ vươn xa ra thế giới và không để mất thị trường trong nước".