Theo thông báo mới nhất, ngân hàng HDBank sẽ tổ chức Đại hội động cổ đông thường niên 2023 vào ngày 26/4 tới theo hình thức trực tuyến. Địa điểm diễn ra là Nhà hát TP. HCM, Quận 1.
Tại đại hội này, ngân hàng HDBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2023. Đồng thời, ngân hàng HDBank cũng sẽ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, trình mức thù lao, phụ cấp chuyên trách cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Quỹ hoạt động của Hội đồng quản trị ngân hàng này trong năm 2023.
Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành của ngân hàng HDBank cũng sẽ báo cáo về hoạt động năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023. Đến nay, các tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông vẫn chưa được công bố.
Ngân hàng HDBank là một trong nhiều ngân hàng tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2020, ngân hàng HDBank thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30% và chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ gần 27% cho cổ đông. Năm 2021 và năm 2022, ngân hàng này tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%.
Hiện, vốn điều lệ của ngân hàng HDBank là hơn 25.300 tỷ đồng, xếp hạng ngân hàng có vốn hoá trung bình trong tổng số 30 ngân hàng hiện nay, cùng nhóm với các ngân hàng như ngân hàng SCB, ngân hàng SeABank. Việc nâng vốn điều lệ là một trong những khâu quan trọng để ngân hàng HDBank có thể nâng hạn mức cho vay, tăng vốn để thực hiện đầu tư kinh doanh.
Không chỉ riêng ngân hàng HDBank, rất nhiều các ngân hàng đã thông báo về kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đơn cử nhất là Vietcombank, ngân hàng quốc doanh có vốn điều lệ thuộc top đầu cũng muốn tăng vốn điều lệ và trình kế hoạch này trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 1/2023 vừa qua, lên mức hơn 75.000 tỷ đồng.
Làn sóng nâng vốn điều lệ đã diễn ra mạnh mẽ trong ngành ngân hàng khoảng 2 năm trở lại đây. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho khoảng 15 ngân hàng được nâng vốn điều lệ. Đơn cử, ngân hàng MSB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.725 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên thành 15.275 tỷ đồng; ngân hàng SHB cũng được chấp thuận tăng từ 26.674 tỷ đồng lên mức tối đa 36.459 tỷ đồng. Thậm chí, ngân hàng Eximbank, ngân hàng trong một thập kỷ qua chưa từng tăng vốn điều lệ cũng đã lên thực hiện xong quá trình tăng vốn và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng thêm 2.459 tỷ đồng, từ 12.355 tỷ đồng lên hơn 14.814 tỷ đồng.
Tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung vàdài hạn đang dần bị siết lại. Chính vì vậy, việc tăng vốn điều lệ càng trở nên cần thiết để giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.