Khi mô hình mua trước, trả sau vướng "lưới" pháp lý

Dưới áp lực từ các cơ quan quản lý và lo ngại về rủi ro tài chính, mô hình "mua trước, trả sau" (BNPL) hiện đang đối mặt với một làn sóng siết chặt quy định trên toàn cầu…

bnpl-feature.jpg

Trong thập kỷ qua, hình thức thanh toán “mua trước, trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL) đã bùng nổ trên toàn cầu nhờ vào sự tiện lợi và khả năng tiếp cận dễ dàng đối với nhiều nhóm người tiêu dùng.

Theo báo cáo từ Fintech Futures, thị trường "mua trước, trả sau" toàn cầu dự kiến đạt 560,1 tỷ USD vào năm 2025, tăng 13,7% so với năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2025–2030 dự kiến đạt 10,2%, đưa quy mô thị trường lên khoảng 911,8 tỷ USD vào năm 2030.

buy-now-pay-later-market.jpg
Thị trường "mua trước, trả sau" toàn cầu dự kiến sẽ đạt 911,8 tỷ USD vào năm 2030

Sự phát triển mạnh mẽ của “mua trước, trả sau” được thúc đẩy bởi kỳ vọng ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với các giải pháp thanh toán linh hoạt, cùng với việc BNPL được tích hợp ngày một sâu rộng vào các nền tảng kỹ thuật số.

Nhiều “ông lớn” trong ngành như Klarna, Afterpay, PayPal và Affirm đều đang nỗ lực mở rộng hiện diện trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, những công ty khu vực như Tamara (Trung Đông), MercadoPago (khu vực Mỹ Latin) và Kredivo (Đông Nam Á) lại tập trung hơn vào khả năng tùy biến dịch vụ để phù hợp với nhu cầu đặc thù của từng địa phương.

ANH, MỸ SIẾT CHẶT QUY ĐỊNH

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng kéo theo nhiều rủi ro, chính vì vậy mà tại các quốc gia có thị trường “mua trước, trả sau” phát triển mạnh như Anh, Mỹ, chính phủ đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.

Mới đây nhất, Bộ Tài chính Anh đã công bố kế hoạch đưa loạt công ty “mua trước, trả sau” như Klarna, Clearpay, PayPal, Zilch hay Amazon Pay Over Time vào khuôn khổ giám sát chính thức do lo ngại lĩnh vực này đang vận hành trong tình trạng thiếu luật lệ.

Tại Vương quốc Anh, hơn 10 triệu người đã sử dụng dịch vụ BNPL, với tốc độ gia tăng đáng kể kể từ năm 2022. Nhiều người tiêu dùng sử dụng “mua trước, trả sau” cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và năng lượng. Nhưng chính trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều bất ổn, việc đảm bảo rằng người tiêu dùng không rơi vào vòng xoáy “bẫy nợ” đã trở thành một ưu tiên hàng đầu của giới chức trách.

Ông Martin Lewis, chuyên gia tài chính nổi tiếng tại Anh, nhận định: “BNPL giờ đây có mặt ở hầu hết các trang thanh toán trực tuyến. Nhiều người không ý thức rằng đây là một hình thức vay nợ, và nếu không cẩn thận, họ có thể rơi vào khủng hoảng tài chính”. Ông cho rằng quy định mới không phải là để triệt tiêu mô hình BNPL, mà là để giúp nó trở nên an toàn hơn.

“BNPL có thể rất hữu ích khi dùng đúng cách, chẳng hạn để chia nhỏ chi phí hàng hoá thiết yếu. Nhưng nó không nên bị lạm dụng cho các khoản chi không cần thiết hay mang tính bốc đồng”, ông Lewis nhấn mạnh.

istock-1358310636.jpg

Có thể thấy, hàng loạt thay đổi mới không chỉ nhằm bảo vệ người mua hàng, mà còn tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn để các công ty tài chính công nghệ có thể phát triển bền vững.

Theo đề xuất mới, các công ty BNPL sẽ bắt buộc phải tiến hành kiểm tra khả năng chi trả của người vay trước khi chấp thuận giao dịch, đồng thời cải thiện quy trình hoàn tiền để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ có quyền khiếu nại lên Cơ quan Giám sát Tài chính Anh (Financial Ombudsman Service - FOS) nếu có tranh chấp, tương tự như đối với các hình thức tín dụng truyền thống khác.

Các công ty “mua trước, trả sau” lớn như Klarna và Clearpay đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các quy định mới này tại Anh. Đặc biệt là Klarna, một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực “mua trước, trả sau” cho biết họ đã sẵn sàng cho những thay đổi này từ lâu. Công ty bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm tra tín dụng từ giữa năm 2022 mà không gây ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Dù vậy, không phải ai cũng tỏ ra lạc quan. Một số chuyên gia lo ngại việc áp dụng những quy định cứng nhắc có thể làm giảm tính cạnh tranh và sáng tạo trong lĩnh vực fintech, đặc biệt khi mô hình “mua trước, trả sau” vẫn đang liên tục thay đổi để thích nghi với hành vi tiêu dùng hiện đại.

Tương tự như Anh, các cơ quan quản lý tài chính Mỹ cũng đã chủ động siết chặt quy định đối với hoạt động cho vay ngắn hạn. Vào năm 2023, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) đã công bố báo cáo khuyến nghị các công ty BNPL phải tuân thủ khung tiêu chuẩn giống như tổ chức phát hành thẻ tín dụng, bao gồm việc minh bạch hóa phí phạt, cung cấp sao kê định kỳ và thực hiện kiểm tra khả năng thanh toán của người vay. Đồng thời, CFPB còn yêu cầu doanh nghiệp BNPL phải chia sẻ dữ liệu tín dụng với các tổ chức tín dụng lớn để quản lý rủi ro và giúp người tiêu dùng xây dựng hồ sơ tín dụng rõ ràng.

Động thái này phản ánh những quan ngại ngày càng gia tăng về tình trạng người dân chi tiêu quá khả năng và rủi ro nợ xấu tăng cao trong bối cảnh BNPL đang phát triển quá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống tài chính chính thống.

"BẪY NỢ" CÓ HÌNH THÀNH TẠI VIỆT NAM?

Mô hình “mua trước, trả sau” cũng có được đà phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và xu hướng tiêu dùng số đang thịnh hành trong giới trẻ.

vietnamese-buy-now-pay-later-market.jpg
Thị trường "mua trước, trả sau" tại Việt Nam cũng đang ghi nhận tốc độ phát triển ấn tượng

Cũng theo báo cáo từ Fintech Futures, thị trường BNPL tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 2,61 tỷ USD vào năm 2025, tăng 36,5% so với năm 2024. Giai đoạn 2025–2030 được dự báo tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) 26,7%, đưa quy mô lên khoảng 8,51 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Những con số trên cho thấy sức hút ngày càng lớn của mô hình tài chính linh hoạt này đối với người tiêu dùng Việt.

Nhiều nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki và các công ty tài chính công nghệ như Kredivo, Fundiin hay Movi đang tích cực triển khai dịch vụ mua trước, trả sau; mang lại lựa chọn thanh toán tiện lợi, không cần thẻ tín dụng và thường không yêu cầu trả lãi suất trong thời gian ngắn. Các mối quan hệ hợp tác với những nhà bán lẻ lớn như Pharmacity cũng đang đưa BNPL vào các giao dịch thường nhật. Nhờ đó, nhiều người tiêu dùng, dù chưa có lịch sử tín dụng vững vàng, vẫn có thể tiếp cận hàng hóa và dịch vụ dễ dàng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng kéo theo nhiều lo ngại về rủi ro tài chính và các lỗ hổng pháp lý. Việc thiếu đi khung tiêu chuẩn kiểm tra tín dụng nghiêm ngặt khiến người tiêu dùng dễ dàng vay vượt quá khả năng chi trả. Bên cạnh đó, thông tin không minh bạch về lãi suất, phí phạt khi trễ hạn, cùng các chính sách hoàn trả chưa rõ ràng khiến nhiều người rơi vào tình trạng nợ nần mà không lường trước được.

Thậm chí còn xuất hiện tình trạng một số người dùng đã lợi dụng hệ thống để thực hiện các giao dịch giả mạo nhằm rút tiền mặt từ hạn mức “mua trước, trả sau”, dẫn đến các hành vi gian lận tài chính nghiêm trọng. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Rest of World, các trường hợp như vậy đã xảy ra ở cả Việt Nam và Thái Lan, gây ra áp lực không nhỏ cho cơ quan quản lý trong khu vực. Các công ty cung cấp dịch vụ BNPL cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát tín dụng và thu hồi nợ, từ đó tác động tiêu cực tính bền vững của mô hình này.

file-20231011-25-bvjczk.jpg

Hiện tại, Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể để quản lý hoạt động mua trước, trả sau. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có đề xuất xây dựng cơ chế thử nghiệm cho các công ty fintech, nhưng quy định chính thức đối với “mua trước, trả sau” vẫn chưa được ban hành.

Với việc các quốc gia như Mỹ, Anh Quốc, Australia và Singapore đã bắt đầu siết chặt luật lệ với dịch vụ “mua trước, trả sau”, Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm để thiết lập hành lang pháp lý phù hợp, vừa tạo điều kiện phát triển đổi mới, vừa bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia. Nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời, mô hình “mua trước, trả sau” rất có thể sẽ trở thành một “quả bom nợ” trong tương lai gần.

Xem thêm

Mua trước trả sau và nguy cơ sa... “bẫy nợ”

Mua trước trả sau và nguy cơ sa... “bẫy nợ”

Mang đến tác động tích cực cho nền kinh tế, nhưng dịch vụ mua trước trả sau lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt ở thế hệ trẻ, những người chưa có cơ sở thu nhập ổn định…

Có thể bạn quan tâm

Mùa hè buồn của ngành du lịch Mỹ

Mùa hè buồn của ngành du lịch Mỹ

Ngành du lịch Mỹ đang chao đảo khi lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh do căng thẳng chính trị, chính sách nhập cư khắt khe và các rào cản visa, khiến nhiều điểm đến và doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thất thu nghiêm trọng trong mùa cao điểm…

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Đối mặt với lạm phát và kinh tế bất ổn, người tiêu dùng Hàn Quốc đang thắt chặt chi tiêu trong Tháng Gia đình, thời điểm vốn được biết đến với những bữa tiệc hoành tráng và quà tặng đắt tiền, bằng cách mua đồ cũ, chọn quà thực tế và cắt giảm các khoản ăn uống xa hoa…

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…