Các cuộc đàm phán thúc đẩy TPP sau sự rút lui của Mỹ đã đi tới giai đoạn mang tính chất quyết định khi các bộ trưởng từ 11 nước thành viên bàn thảo về một gói thỏa thuận cuối cùng do Nhật Bản - nước đồng chủ trì cuộc họp - đề xuất vào sáng 9/11. Đến tối cùng ngày, trước sự chờ đợi của rất nhiều phóng viên, các bộ trưởng kinh tế của 11 thành viên còn lại của TPP rời phòng họp vào lúc 22 giờ.
"Đồng thuận về mặt nguyên tắc"
Khi rời khỏi phòng họp, Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nói ngắn gọn: "Cuộc họp rất tốt". Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nói "rất vui" trong khi Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh: "Đồng thuận về mặt nguyên tắc". Nếu đúng như lời các bộ trưởng thì cuộc họp bất ngờ vào ban đêm này đã đạt được mục tiêu đề ra.
Không để phí thời gian, phía Nhật Bản lập tức tổ chức họp báo. Tại đây, Bộ trưởng Motegi lặp lại một lần nữa rằng các bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về mặt nguyên tắc và thông báo chính thức sẽ được đưa ra tại Hội nghị Lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 trong ngày 10/11. Như vậy, nhiều khả năng hiệp định vắng bóng Mỹ này – còn gọi là TPP-11 - có thể đạt được đột phá ngay bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp các bộ trưởng TPP sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong 3 ngày qua, các nhà đàm phán đã nỗ lực để thu hẹp bất đồng. "Kết quả đạt được là rất tích cực. Các bên đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được một gói cam kết cuối cùng" - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, người trình bày gói đề xuất cuối cùng nói trên, khẳng định với những người đồng cấp từ các thành viên trong cuộc họp: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa về tầm quan trọng của việc đạt tới một thỏa thuận về nguyên tắc ngay tại đây, đưa ra quyết định đúng về thương mại cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Cũng theo lời ông Motegi, các bên đàm phán đã nỗ lực để đạt tới một cái kết làm hài lòng tất cả, hay nói cách khác là sự không hài lòng cũng phải chia đều cho tất cả các bên. Phương án này nếu thống nhất sẽ được trình lên cuộc họp các lãnh đạo TPP bên lề APEC. Cùng với Việt Nam, toàn bộ 10 thành viên còn lại của TPP đều là các nền kinh tế thuộc APEC.
Còn nhiều việc phải làm
TPP nhắm vào mục tiêu giảm thiểu thuế quan của các nông sản và sản phẩm công nghiệp giữa 11 nền kinh tế thành viên vốn có tổng kim ngạch thương mại lên tới 356 tỉ USD năm 2016. Đồng thời, hiệp định này cũng có các điều khoản bảo vệ từ quyền của người lao động tới môi trường cũng như sở hữu trí tuệ. Trong số những lựa chọn được bàn thảo giữa các thành viên TPP có vấn đề liệu có treo một số điều khoản của hiệp định ban đầu hay không để tránh phải đàm phán lại và khả năng thuyết phục Mỹ quay trở lại trong dài hạn.
Kết quả đạt được trong đêm 9-11 có thể xem là nỗ lực rất lớn của những nước tích cực thúc đẩy TPP-11, bởi ngay trong nội bộ các thành viên vẫn còn một số ý kiến cho rằng "không cần phải vội" như Canada, Mexico và Malaysia. Mexico, cũng giống như Canada, được cho là đang ưu tiên đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Do đó, kết quả này cũng phản ánh những nhượng bộ và quyết tâm chung nhằm "hồi sinh" TPP.
TPP là chủ đề được nhắc đến rất nhiều tại các cuộc họp báo trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trong cuộc họp báo về Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 chiều 9-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định đây không phải là nội dung trực tiếp trong khuôn khổ APEC song lại nhận được sự quan tâm rất lớn.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hội nghị Bộ trưởng TPP được tiến hành bên lề Hội nghị AMM, bắt đầu từ ngày 6-10 đến nay. Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho hay sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào tháng 1 năm nay, các thành viên còn lại vẫn nỗ lực duy trì TPP như một hiệp định chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển trong khu vực và bảo đảm lợi ích cân bằng của các nước tham gia.
Hiện tại, vẫn còn các vấn đề cần đàm phán song trong bối cảnh mới hiện nay, TPP sẽ tiếp tục là động lực cho toàn cầu hóa và tăng trưởng kinh tế, theo bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Theo Thu Hằng – Mỹ Dung / Người Lao Động