Trong đó, gần 330 nghìn là DN mới đăng ký, tăng 5,7% so với năm trước. Cũng trong năm này, đã có hơn 260 nghìn DN đóng cửa, tăng 0,5% so với 2015-2016…
Đất nước của DNNVV
Về mặt cơ cấu, top 5 ngành chiếm số lượng DN nhiều nhất, và cũng tăng trưởng nhanh nhất, gồm: Xây dựng; dịch vụ kỹ thuật, khoa học và chuyên môn; dịch vụ cho thuê bất động sản; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, và nông lâm thủy sản. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực trạng phát triển rất nóng của lĩnh vực bất động sản tại quốc gia này.
Xét về loại hình, Úc có 4 hình thức (cấu trúc pháp lý) phổ biến, gồm: Công ty, chiếm số lượng lớn nhất với hơn 800 nghìn DN; Cá thể kinh doanh, chiếm thứ hai với hơn 560 nghìn DN; Quỹ ủy thác, chiếm thứ ba với gần 530 nghìn DN, và; hình thức Hợp doanh, với gần 280 nghìn DN. Trong đó, hai hình thức DN phát triển nhanh nhất là cá thể kinh doanh với hơn 25.500 nghìn DN đăng ký mới, tăng 4,5%, và công ty, 35.300 DN đăng ký mới, tăng 4,4% so với năm 2015-2016.
Nét đặc biệt có tính đặc trưng của DN Úc là đa phần DN nước này thuộc diện nhỏ và vừa, xét cả trên phương diện quy mô lao động lẫn phương diện quy mô doanh số bán hàng. Đây cũng là một đặc thù rất giống với Việt Nam. Về lao động, trong tổng số 2,2 triệu DN (đúng hơn là mã số đăng ký DN) đang hoạt động trong năm tài chính 2016-2017, chỉ có chưa tới 40% DN có thuê nhân công, 60% còn lại (khoảng 1,3 triệu) là các DN chỉ có một lao động (đồng thời là chủ) và các quỹ hưu bổng do cá nhân tự quản lý (những người vốn cũng đăng ký mã số ABN nhưng thực chất không phải đơn vị kinh doanh). Trong số 40% DN có sử dụng lao động, 70% (khoảng 600 nghìn) chỉ sử dụng 1 đến 4 lao động, 23% (200 nghìn) sử dụng 5-19 lao động, gần 6% (52 nghìn) sử dụng 20-199 lao động, và chỉ có chưa tới 0,5% (4 nghìn) sử dụng nhiều hơn 200 lao động.
Về tổng doanh số, 98% DN Úc có doanh thu hàng năm nhỏ hơn 2 triệu đô la Úc (tức khoảng hơn 1,5 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá hiện tại). Khoảng 1/3 có doanh số từ 50 nghìn đến dưới 200 nghìn đô la Úc, và 1/3 từ 200 nghìn đến dưới 2 triệu đô la Úc. Chưa tới 3% số DN có doanh số lớn hơn 5 triệu đô la Úc một năm.
Th.s Nguyễn Anh Tuấn |
DNNVV là động lực phát triển của kinh tế Úc
Thứ nhất, như số liệu đã dẫn phía trên, DN NVV (tức có dưới 20 lao động) chiếm khoảng 95% tổng số DN đang hoạt động của toàn nước Úc. Và theo thống kê của Ngân hàng Dữ trữ Úc (RBA), các DN SME này đóng góp 35% tổng giá trị tạo ra tại Úc châu.
Thứ hai, SMEs là những DN tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất. Cũng theo thống kê của RBA, các DN NVV Úc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra hơn 50% số công ăn việc làm (không tính ngành tài chính). Trong lĩnh vực tài chính, các DN nhỏ cũng được thành lập rất nhiều và phát triển mạnh trong những năm gần đây, tạo ra một số công ăn việc làm đáng kể cung cấp dịch vụ thay thế phục vụ các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. Chính nhờ sự phát triển sôi động, tạo ra nhiều công ăn việc làm của DN SME, Úc đã duy trì được tỷ lệ thất nghiệp khá thấp so với các nước trong khối OECD. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp đất nước này thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, duy trì được tăng trưởng kinh tế liên tục trong suốt 26 năm qua.
Thứ ba, khu vực SME là khu vực có nhiều sáng kiến cải tiến đổi mới nhất. Thực thế cho thấy những ý tưởng mới nhất của nước Úc không phải xuất phát từ các tập đoàn, công ty lớn, mà là từ các DN NVV. Một lý do lớn là khi các rào cản gia nhập được cách mạng công nghệ và các nỗ lực cải cách của chính phủ làm giảm thiểu đáng kể, DN NVV, với nguồn lực hạn chế, đã có thể tham gia dễ dàng nhiều lĩnh vực trước đây đòi hỏi nhiều vốn và thông tin.
Điều này cho phép các ý tưởng đổi mới được đưa vào áp dụng trong thực tiễn nhanh hơn bao giờ hết. Theo Báo cáo về Hệ thống Đổi mới Úc do chính phủ liên bang phát hành, Úc là một trong những quốc gia có tỉ lệ đổi mới cao nhất thế giới. Báo cáo này cho biết, hơn 13% dân số trưởng thành của Úc có tham gia vào ít nhất một hay vài các hoạt động kinh doanh và 60% những DN áp dụng đổi mới báo cáo doanh số và tỷ suất lợi nhuận tăng lên.
"Khi các rào cản gia nhập được cách mạng công nghệ và các nỗ lực cải cách của chính phủ làm giảm thiểu đáng kể, DN NVV, với nguồn lực hạn chế, đã có thể tham gia dễ dàng nhiều lĩnh vực trước đây đòi hỏi nhiều vốn và thông tin.
Khi DN NVV là “thượng đế”
Nhận thức được tầm quan trọng có tính quyết định của SME đối với nền kinh tế như phân tích ở trên, chính phủ Úc ở cả 3 cấp, liên bang, tiểu bang và các hội đồng địa phương đều rất ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển DN NVV. Dưới đây liệt kê một số biện pháp hỗ trợ chính đang được áp dụng trong năm tài chính 2017-2018 và các năm tiếp theo.
Ở cấp độ liên bang, đáng kể nhất là lộ trình cắt giảm thuế thu nhập DN đối với các công ty và các ưu đãi về khấu hao tài sản cố định. Hiện tại, thuế thu nhập công ty của Úc được ấn định ở mức 30%. Tuy nhiên, đối với DN NVV, mức thuế này được cắt giảm hàng năm để hướng tới mức 25% vào năm tài chính 2026-2027.
Cụ thể, trong năm tài chính 2017-2018 (năm hiện tại), những công ty có tổng doanh số bán hàng ít hơn hoặc bằng 25 triệu đô la Úc, mức thuế thu nhập DN được áp dụng là 27,5%, tức giảm 2,5% so với mức chung. Mức thuế này sẽ tiếp tục được áp dụng cho các năm tài chính từ 2018-2019 đến 2023-2024 nhưng đối tượng DN sẽ được mở rộng, bao gồm các công ty có tổng doanh số lên tới 50 triệu đô la Úc.
Đối với các DN cá thể hoặc hợp doanh, thuế thu nhập vốn được đánh theo thang bậc tương tự như thu nhập cá nhân, cũng được chiết giảm 8% nhưng không quá 1.000 đô la Úc một năm.
Về mặt khấu hao tài sản cố định, kể từ năm tài chính 2015-2016, chính phủ Úc đã đơn giản hóa nguyên tắc khấu hao áp dụng đối với các DN SME, theo đó, các SME được phép khấu trừ thẳng trực tiếp cho hầu hết các tài sản có trị giá dưới 20 nghìn đô la Úc. Đây cũng là biện pháp nhằm khuyến khích các DN NVV đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ việc mở rộng sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm.
Có thể nói, với rất nhiều các hoạt động hỗ trợ từ phía các cơ quan chính quyền, Úc thực sự giống như một “thiên đường” đối với các DN NVV.
Ở cấp độ tiểu bang và vùng lãnh thổ, mỗi chính quyền đều có những chương trình và sáng kiến hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của DN NVV của địa phương. Tại New South Wales (NSW), tiểu bang lớn nhất Úc cả về quy mô dân số lẫn tốc độ phát triển và đóng góp cho GDP, nơi được biết đến với thành phố Sydney xinh đẹp, dịch vụ cố vấn, hỗ trợ DN NVV Business Connect do Bộ Công nghiệp tổ chức và tài trợ là một ví dụ điển hình. Đây là chương trình của Chính phủ tiểu bang dành riêng và được cá nhân hóa cao độ nhằm cung cấp dịch vụ cố vấn, tư vấn tin cậy hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của DN NVV của NSW. Trong khuôn khổ chương trình này, các SME hay cá nhân muốn khởi nghiệp có thể đăng ký những buổi tư vấn riêng với các cố vấn kinh doanh để được giải đáp thông tin và nhận hướng dẫn, tư vấn về các thủ tục, công đoạn liên quan việc thiết lập hay mở rộng phát triển kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, các buổi huấn luyện, đào tạo về nhiều chủ đề khác nhau cũng được thường xuyên tổ chức để gia tăng kiến thức, kỹ năng cho doanh chủ SME. Đa phần các chi phí cho các dịch vụ cố vấn và đào tạo này đều được Chính phủ tiểu bang tài trợ. |
(Bài viết có tham khảo thông tin của Cục Thống kê Úc, Sở Thuế Úc, báo The Australian và trang mạng Cashflow Finance)
Th.s Nguyễn Anh Tuấn/ Cố vấn Kinh doanh, Chương trình hỗ trợ SME của Tiểu bang NSW, Úc