Giai đoạn 1 của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ “ngốn” của Hòa Phát tầm 20.000 tỷ đồng
Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) vừa ban hành Nghị quyết số 07/QHP-2017 ngày 17/2/2017 đã thông qua việc đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất – tỉnh Quảng Ngãi. Tới đây Hoà Phát sẽ trình lên ĐHCĐ thường niên 2017 xem xét thông qua.
Tập đoàn cũng công bố khá chi tiết kế hoạch đầu tư dự án, phân kỳ thực hiện cũng như nguồn vốn cho dự án.
Cụ thể, dự án được xây dựng tại KCN Phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do Công ty CP Thép Hoà Phát Dung Quất làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư lên tới 52 nghìn tỷ đồng, trong đó, vốn cố định là 40 nghìn tỷ và vốn lưu động là 12 nghìn tỷ được chia đều làm 2 giai đoạn.
Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất sẽ sản xuất gang, phôi thép từ quặng sắt với quy mô 4 triệu tấn các loại/năm. Thời gian triển khai dự kiến từ tháng 2/2017 đến hết năm 2019. Đây sẽ là khu liên hợp gang thép quy mô lớn thứ 2 của Hòa Phát, tiếp sau khu liên hợp tại Hải Dương đã hoạt động ổn định.
Theo HĐQT, mỗi giai đoạn có tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định 20.000 tỷ đồng và vốn lưu động 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn tự có trên vốn cố định là 50% (vốn tự có 10.000 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng 10.000 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 1, dự án đặt mục tiêu sản xuất 2 triệu tấn/năm với các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao. Thời gian triển khai đầu tư là 24 tháng.
Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ tháng 8/2017 với thời gian thực hiện cũng trong hai năm với quy mô mỗi năm đạt 2 triệu tấn thép dẹt (thép cuộn cán nóng dày 1,2 – 1,9 mm, khổ rộng từ 700-1.650 mm.
Mặc dù công bố chi tiết kế hoạch sử dụng vốn và nguồn vốn, song Hoà Phát chưa cho biết danh tính các ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ tài trợ vốn cho siêu dự án gần 2,4 tỷ USD này.
Được biết đầu tháng 2, Tập đoàn Hòa Phát đã xúc tiến thành lập CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng để triển khai dự án này. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát trực tiếp góp 98% vốn và 2 công ty con của Hòa Phát góp 2% còn lại.
Tập đoàn Hòa Phát cam kết sẽ phát hành bảo lãnh việc thực hiện các nghĩa vụ đến hạn của chủ đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất đối với các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính khác.
Hoà Phát tiếp nhận lại dự án tỷ đô mà nhà đầu tư Đài Loan đã "bỏ của chạy"
Để chủ động vốn đầu tư siêu dự án này, Hoà Phát cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gấp đôi, từ mức hiện tại 8.427 tỷ đồng lên mức 15.170 tỷ đồng tính đến 31/12/2017.
Theo kế hoạch này, trong quý 2/2017, tập đoàn sẽ phát hành cổ phiếu chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 50%. Tiếp đó, Hòa Phát còn phát hành thêm 250 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10:2 bắt đầu từ quý II/2017, thu về giá trị mệnh giá 2.500 tỷ đồng. Số tiền thu về từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để đầu tư Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và bổ sung vốn cho hoạt động Tập đoàn.
Năm 2016, kết quả kinh doanh của Hoà Phát có tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 34% và 89% so với 2015. Năm 2017, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu là 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.000 tỷ đồng, thấp hơn năm vừa qua.
Về năng lực tài chính, BCTC Quý 4/2016 hợp nhất cho thấy, tại ngày 31/12/2016, tập đoàn Hoà Phát có tổng tài sản hơn 33.226 tỷ đồng, tăng 30,2% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh đạt gần 19.854 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 8.428 tỷ đồng.
Trong các năm qua, quy mô vay nợ của Hoà Phát không ngừng gia tăng cùng với tiến độ đầu tư, mở rộng các dự án sản xuất gang thép, nông nghiệp… Đến cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của Hoà Phát tăng lên tới 13.372 tỷ đồng, trong đó, đa phần là nợ ngắn hạn hơn 12.431 tỷ đồng, còn nợ dài hạn chỉ 941 tỷ đồng.
Riêng về nợ ngắn hạn, Hoà Phát hiện đang vay và nợ thuê tài chính hơn 5.938 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý 4/2016 không công bố chi tiết danh tính các ngân hàng chủ nợ. Song theo các báo cáo trước đó, ở khoản mục Vay nợ ngắn hạn, Hoà Phát duy trì dư nợ vay ngắn hạn hơn 5.000 tỷ đồng bằng tiền VND và USD. Tài sản bảo đảm nợ vay là một số hàng tồn kho, tài sản cố định, chi phí trả trước dài hạn, một số cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của các thành viên HĐQT tập đoàn. Còn số ít nợ vay ngắn (cỡ vài trăm tỷ đồng) đã không có tài sản bảo đảm…
Thu Hằng
>> Năm 2017: Hòa Phát “khiêm tốn” mục tiêu lãi 5.000 tỷ, cổ tức 30%