Tại nhiều địa phương, để ứng phó với diễn biến cực đoan của thời tiết, đảm bảo an toàn về người và tài sản, hoạt động giao thông vận tải phải hạn chế hoặc tạm dừng. Một số nơi sạt lở đất, lũ quét đã khiến hoạt động thông thương bị đình trệ.
HẠN CHẾ LƯU THÔNG QUA NHIỀU CÔNG TRÌNH BẮC QUA SÔNG
Tại Hà Nội, mưa lớn khiến nước ở hầu khắp hệ thống sông hồ dâng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc di chuyển đường sông và kết cấu các công trình cầu đường bắc qua sông. Sở Giao thông vận tải thành phố đã lên phương án hạn chế lượng phương tiện di chuyển qua cầu, một số khu vực đã cấm hoàn toàn phương tiện lưu thông. Cụ thể:
Để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông vận tải hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương từ sáng 10/9. Việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương sẽ bắt đầu từ 8h30 ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế.
Phòng CSGT (Công an Hà Nội) sẽ bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên tuyến đường, nút giao.
Đến chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục thông báo cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên. Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Thành phố bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên tuyến đường, nút giao.
Gần nhất, thành phố tiếp tục điều chỉnh phương án phân luồng phương tiện qua cầu Đuống và cầu Đông Hội do mực nước sông Ngũ Huyện Khê lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu hạ tầng cầu không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông qua cầu.
Đặc biệt, theo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống.
Không chỉ Hà Nội, một số địa phương cũng lên phương án hạn chế vận tải lưu thông trên tuyến đường sông để đảm bảo an toàn thời điểm nước lũ dâng cao. Các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang cấm phương tiện qua 9 cầu vì lo ngại nước lũ chảy siết dẫn tới nguy cơ sập cầu. Thời gian cấm lưu thông sẽ kéo dài cho đến khi các địa phương có thông báo mới.
Tại Hải Dương, Sở Giao thông vận tải Hải Dương thông báo cấm toàn bộ phương tiện vận tải thủy lưu thông trên 6 tuyến sông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước tình trạng lũ lụt diễn biến phức tạp.
Theo thông báo, từ 18h ngày 10/9, cấm toàn bộ các phương tiện vận tải thủy lưu thông trên các tuyến đường thủy nội địa tại địa phương như: Sông Sặt, Cửu Yên, Đĩnh Đào, Tứ Kỳ, Cầu Xe, Ghẽ. Trừ các phương tiện phục vụ công tác phòng chống lụt bão và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Sở Giao thông vận tải Hải Dương đề nghị Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam thông báo hạn chế giao thông, cấm các phương tiện vận tải thủy (trừ các phương tiện phục vụ công tác phòng chống lụt bão và bảo đảm an ninh quốc phòng) lưu thông trên các tuyến sông trung ương qua địa bàn tỉnh Hải Dương để bảo đảm an toàn đê điều.
DOANH NGHIỆP VẬN TẢI TẠM DỪNG HOẠT ĐỘNG DO MƯA LŨ
Mưa lớn, nước dâng cao kèm theo lũ quét và sạt lở đất khiến hoạt động giao thông đường bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Việc lưu thông bằng đường bộ và đường sắt đã phải hạn chế nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La… giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều hãng xe thông báo tạm dừng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện do lưu thông trên các tuyến đường bị ảnh hưởng do bão, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông. Nhà xe Sao Việt (chuyên tuyến Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa) tạm dừng hoạt động các xe di chuyển lên Sa Pa, đối với tuyến từ Hà Nội – Lào Cai vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên việc trung chuyển hành khách gặp nhiều khó khăn.
Đại diện các hãng xe đều nhận định tuyến đường lên các tỉnh miền núi đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyến từ Hà Nội đi Lào Cai trong ngày 9-10/9 đều phải quay đầu nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách.
Đại diện hãng xe du lịch G8 Sapa Open Tour cũng thông tin các chuyến xe chở khách du lịch từ Hà Nội đi Sa Pa của hãng xe này khi đến Lào Cai đều phải quay đầu trở về do không thể tiếp tục di chuyển vì mất an toàn.
Bên cạnh đó, đối với tuyến đi Yên Bái, đại diện một hãng xe chuyên vận chuyển hành khách từ Hà Nội – Yên Bái cho biết, đơn vị này đã tạm dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 9/9. Theo thống kê của UBND tỉnh Yên Bái, mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh trên địa bàn tỉnh bị sạt taluy dương như tuyến quốc lộ 37, quốc lộ 32C, quốc lộ 2D, đường Yên Bái - Khe Sang, đường An Bình - Lâm Giang, đường Mậu A - Tân Nguyên, đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, đường Khánh Hòa - Minh Xuân; đường Hợp Minh - Mỵ, đường Đại Lịch - Minh An, đường Văn Chấn - Trạm Tấu, đường Mường La - Mù Cang Chải, đường Âu Cơ, đường Nguyễn Tất Thành, đường Minh Bảo - Đại Đồng, đường Sơn Thịnh - Suối Giàng. Sạt ta luy âm trên tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên. Nhiều công trình công cộng, thủy lợi, kè, thông tin liên lạc… bị hư hỏng, ảnh hưởng.
Tại Thái Nguyên, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải xe khách cho biết, hiện toàn bộ các chuyến xe của đơn vị từ Thái Nguyên – Hà Nội và ngược lại cùng tất cả các tuyến xe buýt do đơn vị khai thác trên địa bàn Thái Nguyên đã dừng hoạt động, do tình hình ngập lụt trên địa bàn quá lớn.
Tại Tuyên Quang, các tuyến xe buýt của đơn vị này cũng bị ảnh hưởng do mực nước trên các tuyến sông thuộc địa phương này dâng cao đột biến, gây ngập úng ở nhiều tuyến đường và ảnh hưởng đến an toàn công trình cầu đường bộ.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng cũng ra thông báo tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới để ứng phó với bão số 3 khi nguy cơ lũ quét xuất hiện trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất trên các sườn dốc, sụt lún có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời đảm bảo giao thông an toàn.