Hoạt động kinh doanh bất thường của Tập đoàn Tâm Lộc Phát vừa có lãnh đạo bị bắt

Cơ quan công an xác định lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát đã sử dụng các "chiêu trò" lừa đảo để huy động, chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư...

tam-loc-phat-5216.jpg
Công ty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát có tình hình kinh doanh bất thường

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở làm việc của Công ty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát.

CHIẾM ĐOẠT TRÊN 1.000 TỶ ĐỒNG CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ

Theo thông tin từ Công an Hà Nội, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Khuyên (41 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát) và Văn Đình Toàn (42 tuổi, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tâm Lộc Phát) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

lanh-dao-4270.jpg
Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn

Hồi tháng 3/2024, qua công tác nắm tình hình trên lĩnh vực tài chính và huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội phát hiện Công ty Tâm Lộc Phát có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư, ký kết hợp đồng góp vốn kinh doanh, hợp đồng góp vốn cổ đông.

Từ đó, lực lượng chức năng đã khẩn trương làm việc với một số nhà đầu tư để thu thập, xác minh thông tin, tổ chức các biện pháp điều tra, làm rõ vụ việc.

Qua các căn cứ tài liệu, chứng cứ, thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Công ty Cổ phần tập đoàn Tâm Lộc Phát được thành lập từ tháng 6/2019.

Sau đó, các đối tượng đã dựng lên mô hình công ty kinh doanh siêu thị tiện ích, công ty sản xuất, kinh doanh quần áo thời trang, đầu tư bất động sản… và sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Lộc Phát để huy động tiền của các nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh, hợp đồng góp vốn.

Để tạo lòng tin, thu hút các nhà đầu tư, nhóm của Khuyên đã đưa ra phương thức trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày với mức lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng (khoảng 2,93%/tháng).

Theo đó, khoảng 50 văn phòng đại diện công ty cấp 1 được hưởng 15% giá trị hợp đồng ngay khi nhà đầu tư ký hợp đồng, nộp tiền tại văn phòng. Văn phòng nào giới thiệu mở thêm được văn phòng khác thì được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng của văn phòng mới được thành lập.

Các văn phòng cấp 2, cấp 3, cấp 4 đều được chia lợi nhuận từ 15% giá trị hợp đồng từ văn phòng cấp 1. Riêng các văn phòng cấp 1 tại miền Nam được hưởng 25% giá trị hợp đồng từ các khách hàng.

Đối tượng Khuyên tự đứng ra điều hành hoạt động chung của công ty, Toàn phụ trách chiến lược tập trung phát triển thị trường, tổ chức sự kiện quảng cáo tại nhiều địa phương để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, các đối tượng còn mua một số mặt hàng như quần áo, dầu ăn, mỳ chính… để thể hiện hoạt động kinh doanh của công ty.

Tiền thu được từ các hợp đồng đầu tư, sau khi trích lại phần trăm cho các văn phòng sẽ được chuyển vào tài khoản của Công ty Tâm Lộc Phát, tài khoản cá nhân của Khuyên để tiến hành thanh toán tiền lãi cho các nhà đầu tư theo ngày. Số tiền còn lại, đối tượng Khuyên sử dụng cá nhân, mua xe ô tô, bất động sản và trả lương.

Từ năm 2019 đến nay, các đối tượng đã huy động được hơn 5.100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Từ tháng 9/2023 đến nay, Khuyên không trả được lãi như cam kết, mất khả năng chi trả và chiếm đoạt trên 1.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong đó, Nguyễn Thị Khuyên và Văn Đình Toàn đã chiếm đoạt hơn 61 tỷ đồng của 18 nhà đầu tư đã có đơn tố giác.

SỐ LIỆU TÀI CHÍNH KỲ LẠ

Trước đó, như Thương gia đã đưa, từ khi thành lập, lãnh đạo của Tâm Lộc Phát cho biết định hướng xây dựng chuỗi hệ thống cà phê nghệ sĩ. Thông tin trên website tràn ngập những quảng cáo về hệ thống thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, truyền thông và tổ chức sự kiện, kênh truyền hình và báo điện tử, bất động sản…

Đáng chú ý, trên website giới thiệu một trong những mảng dịch vụ của Tâm Lộc Phát là có hoạt động "Kinh doanh kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV, Báo điện tử Tâm Lộc phát 24h.com".

Bên cạnh đó, phần giới thiệu "Kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV" lại sử dụng nhiều hình ảnh được chụp với dòng chữ "Truyền hình thực tế HDTV Việt Nam" mà không có chú thích. Điều này khiến người xem có thể hiểu nhầm rằng đây là kênh truyền hình của Tâm Lộc Phát. Thực tế, những hình ảnh này là của một công ty truyền thông khác. Ngoài ra, kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV thực chất chỉ là 1 kênh Youtube chủ yếu đăng về hoạt động nội bộ của công ty.

Sang năm 2022, Tâm Lộc Phát thông báo mở thêm 4 công ty con/công ty thành viên để mở rộng quy mô hoạt động. Các công ty gồm Công ty Cổ phần du lịch Hoàng Anh chuyên mảng du lịch; Công ty cổ phần bảo an Lưu Gia Phát cung cấp dịch vụ bảo vệ, an ninh; Công ty cổ phần thời trang Talofa để phát triển thương hiệu thời trang; Công ty cổ phần địa ốc Việt Phát chuyên đầu tư, quản lý các dự án bất động sản và Công ty Cổ phần truyền hình Tâm Lộc Phát TV – phát triển từ kênh truyền hình trước đó của công ty.

Trong các công ty trên, chỉ có Địa ốc Việt Phát và Du lịch Hoàng Anh có chung một dự án Villa được cải tạo làm nhà nghỉ tại Thanh Hóa và Tâm Lộc Phát TV có một vài bộ phim được phát trên Youtube, các công ty còn lại gần như không có hoạt động kinh doanh.

Nhưng bao trùm tất cả, được quảng cáo nhiều nhất và rầm rộ nhất, là thông tin về hoạt động mở chi nhánh, khai trương văn phòng tại các địa phương của Tâm Lộc Phát.

Theo thông tin công khai trên trang web của Tâm Lộc Phát, số lượng chi nhánh được cập nhật tới con số 59 tại nhiều địa phương trên cả nước.

Với quy mô lớn, luôn mở hàng loạt dự án mới như vậy nhưng hoạt động tài chính của Tâm Lộc Phát không hề mạnh như tưởng tượng. Về hoạt động tài chính, Tâm Lộc Phát được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Công ty này đã trải qua 2 lần tăng vốn vào tháng 9/2020 và tháng 6/2021.

Tháng 4/2023, vốn điều lệ của công ty trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu của Tâm Lộc Phát có rất nhiều "điểm mờ". Cụ thể, danh sách cổ đông chỉ bao gồm 3 người là bà Nguyễn Thị Khuyên, góp 21 tỷ đồng (70%); ông Văn Đình Toàn và bà Bùi Thị Minh Nguyệt mỗi người góp 4,5 tỷ đồng (15%).

co-dong-tam-loc-phat-1526.jpg
Danh sách các cổ đông của Tâm Lộc Phát

Như vậy, vốn điều lệ đóng góp thực của Tâm Lộc Phát chỉ là 30 tỷ đồng nhưng lại kê khai là 100 tỷ đồng.

Trong các năm 2020, 2021, Tâm Lộc Phát không ghi nhận có kết quả kinh doanh. Thậm chí, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh hết năm 2020 còn âm 51,203 triệu đồng. Kỳ lạ là ngày 1/1/2021, Tâm Lộc Phát lại ghi nhận số tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh lên tới 22.105 tỷ đồng.

Đến năm 2022, Công ty Tâm Lộc Phát bắt đầu hoạt động trở lại nhưng báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp lại có khá nhiều vấn đề gây khó hiểu. Theo đó, các khoản phát sinh lớn trong năm 2022 lại không phải từ hoạt động kinh doanh chính mà từ hoạt động khác.

Tiền thu từ hoạt động kinh doanh chính gần như bằng 0 đồng, trong khi tiền thu từ hoạt động khác là 7,5 tỷ đồng, tiền chi cho hoạt động khác là 6,3 tỷ đồng. Nguồn tiền thu chi khác này có chênh lệch nguồn thu nhiều hơn nguồn chi nhưng không được ghi nhận vào lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh.

Đáng chú ý, báo cáo kinh doanh của Tâm Lộc Phát năm 2022 cũng thể hiện việc phát sinh 1 khoản khá lớn từ mục hàng tồn kho trong tài sản. Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh dở dang 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ghi nhận ngoài vốn chủ sở hữu, có ghi nhận vốn khác của chủ sở hữu là gần 2.214 tỷ đồng.

Đây đều là những nội dung khá khó hiểu trong báo cáo tài chính 2022 của một Tập đoàn luôn được quảng cáo là có tới 10.000 nhà đầu tư và huy động được hàng nghìn tỷ đồng để kinh doanh.

Xem thêm

Tâm Lộc Phát và chân dung bà chủ Nguyễn Thị Khuyên

Tâm Lộc Phát và chân dung bà chủ Nguyễn Thị Khuyên

Theo giới thiệu của Tâm Lộc Phát, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Khuyên là người đầy tài năng “với 15 năm trong ngành tổ chức sự kiện, chuyên làm Trưởng ban tổ chức các sự kiện lớn cho Nhà nước…”

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…