Viết tiếp bài Tâm Lộc Phát: Kỳ lạ mô hình không doanh thu

Trái ngược với những lời quảng cáo hào nhoáng, những sự kiện rầm rộ để tổ chức huy động vốn, tình hình kinh doanh của Tâm Lộc Phát từ khi thành lập đến nay cực kỳ èo uột, cho thấy những dấu hiệu bất thường…

Công ty Cổ phần truyền thông Tâm Lộc Phát được thành lập từ 2019, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Khuyên. Ngành nghề kinh doanh chính là Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.

Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh cả báo chí, truyền hình

Từ khi thành lập, lãnh đạo của Tâm Lộc Phát cho biết định hướng xây dựng chuỗi hệ thống café nghệ sỹ, với sự tham gia của những diễn viên danh tiếng như Quang Tèo, Vân Dung…

Thông tin trên website https://tamlocphat.com.vn/ (website chính thức của doanh nghiệp, được một "sale" giới thiệu với PV) cũng tràn ngập những quảng cáo về hệ thống thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, truyền thông và tổ chức sự kiện, kênh truyền hình và báo điện tử, bất động sản… 

Tâm Lộc Phát
Tâm Lộc Phát tuyên bố sẽ phát triển chuỗi Cafe Nghệ sỹ với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng. Ảnh: Khai trương Cafe Nghệ sỹ tại Ninh Bình. Nguồn: Tâm Lộc Phát.

Đáng chú ý, trên website này giới thiệu một trong những mảng dịch vụ của Tâm Lộc Phát là có hoạt động "Kinh doanh kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV, Báo điện tử Tâm Lộc phát 24h.com".

Điều đáng nói, tại Việt Nam, các đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí được quy định rõ tại Điều 14, Chương III, Luật Báo chí. Theo đó chỉ có các "Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí". Không hiểu, một doanh nghiệp tư nhân như Tâm Lộc Phát được cơ quan nào cấp phép để "kinh doanh Báo điện tử Tâm Lộc Phát 24h.com"?.

Bên cạnh đó, phần giới thiệu "Kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV" lại sử dụng nhiều hình ảnh được chụp với dòng chữ "Truyền hình thực tế HDTV Việt Nam" mà không có chú thích. Điều này khiến người xem có thể hiểu nhầm rằng đây là kênh truyền hình của Tâm Lộc Phát. Nhưng thực tế những hình ảnh trên là của một công ty truyền thông khác. Ngoài ra, kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV thực chất chỉ là 1 kênh Youtube với hơn 13.000 lượt theo dõi. Kênh này chủ yếu đăng về hoạt động nội bộ của công ty.

Sang năm 2022, Tâm Lộc Phát thông báo mở thêm 4 công ty con/công ty thành viên để mở rộng quy mô hoạt động. Bao gồm Công ty Cổ phần du lịch Hoàng Anh chuyên mảng du lịch; Công ty cổ phần bảo an Lưu Gia Phát cung cấp dịch vụ bảo vệ, an ninh; Công ty cổ phần thời trang Talofa để phát triển thương hiệu thời trang; Công ty cổ phần địa ốc Việt Phát chuyên đầu tư, quản lý các dự án bất động sản và Công ty Cổ phần truyền hình Tâm Lộc Phát TV – phát triển từ kênh truyền hình trước đó của công ty.

Nhưng điểm đáng chú ý, trong các công ty trên, chỉ có Địa ốc Việt Phát và Du lịch Hoàng Anh có chung một dự án Villa được cải tạo làm nhà nghỉ tại Thanh Hóa, và Tâm Lộc Phát TV có một vài bộ phim được phát trên… youtube, các công ty còn lại gần như không có hoạt động kinh doanh.

tâm lộc phát
Tâm Lộc Phát liên tục mở các chi nhánh trên toàn quốc để huy động vốn

Nhưng bao trùm tất cả, được quảng cáo nhiều nhất và rầm rộ nhất, là thông tin về hoạt động mở chi nhánh, khai trương văn phòng tại các địa phương của Tâm Lộc Phát.

Theo thông tin công khai trên trang web của Tâm Lộc Phát, số lượng chi nhánh được cập nhật tới con số 59, tại nhiều địa phương trên cả nước. Lưu ý rằng con số này là chưa đầy đủ, khi có nhiều chi nhánh chưa có tên. (Đáng chú ý, có những địa phương mở rất nhiều văn phòng, ví dụ như Thanh Hóa tới 5 văn phòng, Hải Dương 4 văn phòng…)

Đó là chưa kể số lượng các buổi tổ chức họp mặt, tri ân, tặng quà, hay tổ chức hội nghị hội thảo rầm rộ để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào Tâm Lộc Phát.

Những tưởng với quy mô lớn, luôn mở hàng loạt dự án mới, hoạt động tài chính của Tâm Lộc Phát phải “hùng mạnh” tương xứng, nhưng thực tế ghi nhận kết quả kinh doanh của Tâm Lộc Phát lại.... bằng không, trong nhiều năm.

Kết quả hoạt động kinh doanh kỳ lạ

Đầu tiên, Tâm Lộc Phát ghi nhận vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm 2020, 2021 đều không ghi nhận có tài sản, chỉ có tiền mặt. Tổng tài sản của Tâm Lộc Phát cũng chỉ được cấu thành từ 2 nguồn chính là tiền vốn điều lệ (20 tỷ đồng) và tiền vốn góp cổ đông khác (hơn 2,2 tỷ đồng).

Cụ thể, tổng giá trị tài sản của Tâm Lộc Phát năm 2020 là 22,209 tỷ đồng, hết năm 2021 giảm 4 triệu đồng, còn 22,205 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt lần lượt chiếm 22,105 tỷ đồng và 22,101 tỷ đồng. Số tiền còn lại là phải thu ngắn hạn 104 triệu đồng giữ nguyên từ 2019 tới hết 2021. 

Cần lưu ý, trong các chỉ số đánh giá hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào, việc chỉ ghi nhận tiền mặt mà không có tài sản khác là vô cùng bất thường.

Bởi theo giới thiệu của Tâm Lộc Phát, ít nhất doanh nghiệp này cũng đã mở quán café Nghệ sỹ, mở gian hàng tiện ích…. Tức là, ít hay nhiều, những cơ sở kinh doanh này đều được đầu tư và có tài sản. Nhưng lạ lùng là hoạt động đó không được Tâm Lộc Phát ghi nhận, vậy công ty liệu có các hoạt động kinh doanh này?!

Nhấn mạnh là, dù tuyên bố mở ra nhiều lĩnh vực kinh doanh, nhưng 2 năm 2020 và 2021, Tâm Lộc Phát đều không ghi nhận có hoạt động kinh doanh. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giá vốn bán hàng… của công ty này đều ghi nhận giá trị... bằng 0.

Phát sinh duy nhất đó là chi phí quản lý. Nhưng chi phí quản lý này chỉ loanh quanh mức 4 triệu đồng. Hiểu đơn giản, bà Nguyễn Thị Khuyên và cả dàn lãnh đạo Tâm Lộc Phát đi làm và hưởng lương, thù lao... cả năm không quá... 4 triệu đồng. 

Trong các năm 2020, 2021, Tâm Lộc Phát không ghi nhận có kết quả kinh doanh. Thậm chí lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh hết năm 2020 (kết thúc ngày 31/12/2020) còn âm 51,203 triệu đồng.

Nhưng khôi hài là ngay ngày đầu năm 2021 (1/1/2021), Tâm Lộc Phát ghi nhận số tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh lên tới 22,105 tỷ đồng?. 

Tâm lộc phát
Kết quả kinh doanh của Tâm Lộc Phát không ghi nhận các khoản chi cho các hoạt động ngoại khóa

Sang năm 2022, Tâm Lộc Phát mới phát sinh các hoạt động kinh doanh, khi ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ vỏn vẹn 467 triệu đồng, Oái oăm là, ghi nhận doanh thu bán hàng, nhưng công ty này lại không ghi nhận... giá vốn hàng bán.

Điều này, về thực chất, có nghĩa Tâm Lộc Phát đã xác nhận đang bán khống hàng hóa trong kết quả kính doanh năm 2022.

Ngoài ra, chi phí quản lý kinh doanh của Tâm Lộc Phát năm 2022 cũng vọt tới hơn 1 tỷ đồng. 

Kết quả, năm 2022, Tâm Lộc Phát ghi nhận lỗ hơn 565 triệu đồng. Trong khi những năm trước, khi không có hoạt động kinh doanh, Tâm Lộc Phát ghi nhận lỗ nhẹ hơn, năm 2020 là hơn 4,6 triệu đồng, năm 2021 chỉ là 4,2 triệu đồng. 

Đặc biệt, theo tuyên bố của Tâm Lộc Phát, công ty đã có nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ các hình thức hợp tác kinh doanh với các chủ đầu tư, khách hàng của công ty.

Tuy nhiên, hàng nghìn tỷ này lại không được chính Tâm Lộc Phát ghi nhận tại các kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng nhưng các nghĩa vụ thuế mà công ty cần phải chấp hành với Nhà nước.

Điều này có nghĩa, trong khi các khách hàng, chủ đầu tư của Tâm Lộc Phát đang đối diện rủi ro rất lớn với nguồn vốn góp, thì Nhà nước cũng đang có dấu hiệu bị Tâm Lộc Phát chiếm dụng không ít tiền từ các nghĩa vụ mà doanh nghiệp này phải nộp. 

Vậy, tiền mà Tâm Lộc Phát huy động đã đi đâu?

Có thể bạn quan tâm