Tâm Lộc Phát và chân dung bà chủ Nguyễn Thị Khuyên

Theo giới thiệu của Tâm Lộc Phát, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Khuyên là người đầy tài năng “với 15 năm trong ngành tổ chức sự kiện, chuyên làm Trưởng ban tổ chức các sự kiện lớn cho Nhà nước…”

Nhưng thực tế, bà Khuyên dường như có “kinh nghiệm” trong huy động vốn theo hình thức đa cấp, hơn là tổ chức sự kiện.

Từ nhân viên nhỏ đến “bà chủ lớn”

Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Khuyên sinh năm 1983, hiện là cổ đông chính, nắm 70% cổ phần của Tâm Lộc Phát.

Theo thông tin chúng tôi có được từ một “cựu” lãnh đạo của Công ty TNHH và DVTM Thái Tuấn (Thái Tuấn), bà Khuyên đã từng là nhân viên của công ty Thái Tuấn tại khu vực miền Bắc vào giai đoạn 2017 – 2018.

Khi dó, bà Khuyên là nhân viên phát triển thị trường.

tâm lộc phát
Bà Nguyễn Thị Khuyên tại một sự kiện của Tâm Lộc Phát. Nguồn: Tâm Lộc Phát

Nói về Thái Tuấn, công ty này hoạt động từ năm 2013, đã từng bị nhà đầu tư tố cáo lừa đảo vào tháng 8/2018, chính thức ngừng hoạt động từ tháng 1/2022.

Thái Tuấn kinh doanh đa cấp dưới các hình thức như bất động sản, tiền ảo, khoáng sản. Thái Tuấn cũng liên tục mở chi nhánh ở nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam.

Công ty Thái Tuấn chủ yếu huy động vốn đầu tư từ người dân với những lời hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn. Khi những người dân này “mắc bẫy”, tin tưởng vào lợi nhuận ảo mà công ty này mang lại, vay mượn tiền bạc để đầu tư, thì Thái Tuấn tuyên bố giải thể, xù tiền.

Sau đó lại lập ra những công ty mới theo hình thức “bình mới, rượu cũ” để tiếp tục huy động vốn.

Trong Thái Tuấn phải nhắc đến Vũ Đức Tĩnh – linh hồn của Thái Tuấn – và cũng là đối tượng mới bị khởi tố trong vụ án Bankland lừa đảo.

Bankland là công ty tiếp theo của Tĩnh sau Thái Tuấn. Tất nhiên, Bankland sẽ hoạt động tương tự Thái Tuấn: Tĩnh lập công ty, tiến hành huy động vốn bằng hình thức kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án ”ma”, và trả lãi cao.

Tâm Lộc Phát - Vũ Đức Tĩnh
Vũ Đức Tĩnh trong thông báo truy tìm của công an trên báo Công an Nhân dân (trái) và ảnh trong quyết định khởi tố trong vụ án Bankland.

Nhằm tăng thêm uy tín, Bankland liên tục mở các hoạt động thông báo các chương trình ưu đãi như: nộp tiền nhanh hưởng ngay quà tặng như vàng, sổ đỏ, ôtô, xe SH, tour du lịch...

Đến lúc không thể trả lãi, Tĩnh cùng đồng bọn đã rút toàn bộ những gì còn lại của Bankland và bỏ trốn.

Vụ án hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy phối hợp cùng C03 Bộ Công an điều tra làm rõ.

Điều đáng chú ý, Bankland hay Thái Tuấn không phải là những công ty đầu tiên của Tĩnh. Trước đó Tĩnh đã lập hàng loạt công ty như Công ty Bắc Trung Nam, Happy Moment, Smartland… và đều tiến hành lừa đảo ở hình thức tương tự.

Trước đó, từ năm 2013, Tĩnh cũng từng bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. HCM truy tìm vì tội lừa đảo.

Quay lại với bà Nguyễn Thị Khuyên và đội ngũ Tâm Lộc Phát, cả bà Khuyên và 2 cổ đông khác của Tâm Lộc phát là ông Văn Đình Toàn và bà Bùi Thị Minh Nguyệt đều từng là thành viên của Thái Tuấn, nhưng đến cuối năm 2018, bà Khuyên và nhóm của mình đã tách ra.

Đến tháng 6/2019, bà Khuyên lập ra Tâm Lộc Phát - với đặc trưng hoạt động tương tự Thái Tuấn hay sau này là Bankland, liên tục tổ chức các sự kiện thu hút nhà đầu tư, mở hàng loạt chi nhánh…

Nhìn vào Thái Tuấn, hay Bankland, nhà đầu tư có lẽ cũng nhìn ra kết cục của Tâm Lộc Phát.!

Những con số “nhảy múa”

Theo đăng ký kinh doanh, Tâm Lộc Phát được thành lập từ tháng 6/2019, ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng.

Đến nay, công ty này đã trải qua 2 lần tăng vốn vào tháng 9/2020 và tháng 6/2021. Hiện nay, vốn điều lệ của công ty trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số liệu của Tâm Lộc Phát có rất nhiều "điểm mờ". Cụ thể, danh sách cổ đông chỉ bao gồm 3 người, là bà Nguyễn Thị Khuyên, góp 21 tỷ đồng (70%); ông Văn Đình Toàn và bà Bùi Thị Minh Nguyệt mỗi người góp 4,5 tỷ đồng (15%).

tâm lộc phát
Danh sách các cổ đông của Tâm Lộc Phát

Như vậy, vốn điều lệ đóng góp thực của Tâm Lộc Phát chỉ là 30 tỷ đồng, nhưng lại kê khai là 100 tỷ đồng.

Chưa kể, báo cáo tài chính của Tâm Lộc Phát trong 3 năm 2020, 2021, 2022 đều ghi nhận vốn chủ sở hữu là 20 tỷ đồng – thấp hơn nhiều lần so với vốn điều lệ.

Đáng chú ý, năm 2022 Tâm Lộc Phát bắt đầu hoạt động trở lại nhưng báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp lại có khá nhiều vấn đề gây khó hiểu. Cụ thể, các khoản phát sinh lớn trong năm 2022 lại không phải từ hoạt động kinh doanh chính, mà từ “Hoạt động khác”, cụ thể: Tiền thu từ hoạt động kinh doanh chính gần như bằng 0 đồng, trong khi tiền thu từ “hoạt động khác” là 7,5 tỷ đồng, tiền chi cho “hoạt động khác” là 6,3 tỷ đồng. Nguồn tiền thu chi khác này đang có chênh lệch nguồn thu nhiều hơn nguồn chi nhưng không được ghi nhận vào lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh.

Ngoài ra, cũng trong báo cáo kinh doanh của Tâm Lộc Phát năm 2022 có ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính chỉ 467 triệu, và tiền thu từ hoạt động kinh doanh chính gần như bằng 0 đồng, con số này liệu có đáng tin cậy?

Đặc biệt, báo cáo kinh doanh của Tâm Lộc Phát năm 2022 cũng thể hiện việc phát sinh 1 khoản khá lớn từ mục “Hàng tồn kho” trong Tài sản, cụ thể là Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh dở dang 2,4 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý khác, trong báo cáo tài chính của Tâm Lộc Phát, ghi nhận ngoài vốn chủ sở hữu, có ghi nhận vốn khác của chủ sở hữu là gần 2,214 tỷ đồng...

Đây đều là những nội dung khá khó hiểu trong báo cáo tài chính 2022 của một Tập đoàn luôn được quảng cáo là có tới 10.000 nhà đầu tư và huy động được hàng ngàn tỷ đồng để kinh doanh.

Trao đổi với Luật sư Đỗ Quang Hưng, đoàn luật sư Hà Nội, số tiền này có thể là số tiền vốn góp của nhà đầu tư vào Tâm Lộc Phát theo hình thức hợp tác đầu tư.

Tuy nhiên, Tâm Lộc Phát từng tuyên bố có 10.000 nhà đầu tư, huy động hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế, khi PV thâm nhập vào Tâm Lộc Phát, nhân viên sale của công ty gửi rất nhiều bảng thanh toán của nhà đầu tư với số tiền ghi nhận cả tỷ đồng mỗi người.

Do đó, với cách ghi nhận vốn khác chỉ hơn 2 tỷ đồng, Luật sư Đỗ Quang Hưng cho rằng có 2 trường hợp, đó là Tâm Lộc Phát đang báo cáo không trung thực với cơ quan chức năng và có dấu hiệu không trung thực với nhà đầu tư khi không ghi nhận các khoản vốn góp của nhà đầu tư vào báo cáo tài chính.

Rõ ràng, trong trường hợp nào, Tâm Lộc Phát đều cho ra con số ảo!

Có thể bạn quan tâm