Từ Bankland đến Tâm Lộc Phát: Mô hình huy động vốn lợi dụng lòng tham?

Công ty Cổ phần truyền thông Tâm Lộc Phát hoạt động từ 2019, đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, nhưng hoạt động chính vẫn là... tổ chức các sự kiện huy động vốn trả lãi suất cao...

Ngày 14/3, Công an Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam dàn lãnh đạo của Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, dàn lãnh đạo của BankLand đã dùng pháp nhân công ty này để tiến hành hoạt động huy động vốn thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư.

Tâm Lộc Phát

Chiêu trò để câu kéo khách hàng là công ty “vẽ” ra dự án trên đất nông nghiệp, qua đó thu hút các nhà đầu tư và hứa trả lãi suất cao, mức 43,2% - gấp khoảng 4 lần so với lãi suất ngân hàng. Kèm theo đó là nhiều ưu đãi  nộp tiền nhanh hưởng ngay quà tặng như vàng miếng, sổ đỏ, ôtô, xe SH, tour du lịch….

Sau một thời gian huy động vốn mà không có hoạt động kinh doanh, Bankland không còn trả lãi được cho nhà đầu tư nên nhóm lãnh đạo của Bankland đã chỉ đạo đồng phạm bán nhanh các bất động sản để thu tiền về, qua đó chiếm đoạt tiền góp vốn hợp tác đầu tư.

Mô hình hoạt động này của Bankland đã thu hút khoảng 4.000 nhà đầu tư, khoảng 7.000 hợp đồng góp vốn với số tiền lên tới khoảng 400 tỷ đồng. Những nạn nhân của Bankland “dính bẫy” bởi lòng tham lợi tức cao.

Điều đáng nói, hiện nay, Bankland không phải là doanh nghiệp duy nhất vẽ ra mô hình trả lãi cao để huy động vốn. Hiện nay, có thể nói số lượng doanh nghiệp có mô hình hoạt động na ná Bankland nở rộng như nấm sau mưa.

"Tiểu cường" Tâm Lộc Phát

Công ty Cổ phần truyền thông Tâm Lộc Phát hoạt động từ 2019, đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, nhưng mô hình hoạt động chính vẫn theo hình thức huy động vốn trả lãi suất cao tương tự Bankland

Công ty Cổ phần truyền thông Tâm Lộc Phát được thành lập từ tháng 6/2019, có địa chỉ tại 345 Lacaste, khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Khuyên.

Gói đầu tư từ 5 triệu, lãi suất 9,6%/tháng

Có thể nói, so với Bankland, danh tiếng của Tâm Lộc Phát nổi hơn rất nhiều, và quy mô của công ty này cũng “khủng” hơn so với Bankland. 

Theo đó, kể từ năm 2019 đến nay, Tâm Lộc Phát đã nhiều lần thay đổi mẫu hợp đồng và các điều khoản hợp đồng ký kết với nhà đầu tư. Kèm theo đó là những thay đổi về trả lãi suất. Tuy nhiên, những thay đổi này chỉ mang tính hình thức, và mức trả lãi vẫn duy trì ở mức rất cao.

Hiện nay, Tâm Lộc Phát đang duy trì 12 mức huy động vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, từ gói 5 triệu đồng đến gói 5 tỷ đồng.

Tâm Lộc Phát
Các gói huy động vốn của Tâm Lộc Phát

Ví dụ như gói 20 triệu, 1 tuần công ty này sẽ trả lãi từ thứ 2 – thứ 7, lãi suất là 80.000 đồng/ngày, tương ứng mỗi tháng 1,92 triệu đồng. Tiền lãi sẽ được Tâm Lộc Phát trả theo ngày (trừ ngày nghỉ, lễ, tết) và nhà đầu tư bắt đầu nhận lãi sau 2 ngày khi hợp đồng được ký.

Như vậy, sau một chu trình đầu tư, theo chính sách của Tâm Lộc Phát là 15 tháng, nhà đầu tư sẽ nhận 8,8 triệu tiền lãi và 20 triệu đồng tiền gốc. Tương đương mức lãi 44%/chu kỳ đầu tư.

Tuy nhiên, mức lãi suất này có thể co giãn, phụ thuộc vào mức đầu tư và “đàm phán” của nhà đầu tư với hệ thống sales của Công ty.

Cụ thể, với các gói từ 500 triệu đồng trở lên, nhà đầu tư sẽ trở thành cổ đông của công ty và công ty sẽ tổ chức Đại hội cổ đông, công bố những báo cáo về tình hình hoạt động của công ty, bao gồm cả báo cáo tài chính.

Ngoài ra, với mức trên 500 triệu sẽ được ưu đãi thêm 1 bất động sản giá trị tương đương, khiến mức lợi nhuận từ 44% lên tới 96%.

Điều đáng nói là nững báo cáo hoạt động kinh doanh "chỉ cổ đông lớn mới được biết" này là do Tâm Lộc Phát báo cáo, không có bên thứ 3 giám sát. Hiểu đơn giản, nhà đầu tư sẽ chỉ thấy những chỉ số “đẹp” do Tâm Lộc Phát đưa ra mà không thể biết được tính chính xác của những con số trong báo cáo ấy.

Tâm Lộc Phát
Một chương trình ưu đã của Tâm Lộc Phát

Để tăng thêm tính thuyết phục, Tâm Lộc Phát cũng như Bankland, liên tục tung ra những gói ưu đãi đi kèm như thưởng nóng sau khi ký hợp đồng, hay các chuyến du lịch nước ngoài… Các chương trình này gắn mác “cơ hội cuối cùng”, “duy nhất”… nhưng diễn ra thường xuyên, mỗi tháng có 1 chương trình.

Rủi ro pháp lý

Như đã nói, trong quá trình hoạt động của mình, Tâm Lộc phát đã nhiều lần thay đổi mẫu hợp đồng và mức lãi suất. Trong đó, đặc biệt là những điều khoản trong hợp đồng ngày càng trở nên mù mờ, khó hiểu và đầy tính “cài cắm” đối với nhà đầu tư.

Cụ thể, theo mẫu hợp đồng của Tâm Lộc Phát dùng đến giữa năm 2022 là mẫu hợp đồng hợp tác góp vốn kinh doanh.

Theo điều 5.1 của hợp đồng này, trách nhiệm của nhà đầu tư là góp tiền, còn trách nhiệm của Tâm Lộc Phát là đưa tiền đó đi kinh doanh và trả lãi cho nhà đầu tư. Cụ thể: “Tâm Lộc Phát được toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư theo quyết định riêng…”, như vậy người có tiền lại đưa tiền cho công ty tiêu, còn công ty này tiêu như thế nào thì không được hỏi đến. Điều duy nhất nhà đầu tư được nhận về là khoản trả lãi hằng tháng.

Tâm Lộc Phát
Các điều khoản hợp đồng của Tâm Lộc Phát

Như đã nói trên, đối với những nhà đầu tư trên 500 triệu, Tâm Lộc Phát hàng tháng sẽ có báo cáo, nhưng không có gì đảm bảo rằng các báo cáo trên là chính xác.

Những rủi ro pháp lý đối với nhà đầu tư như thế này vẫn hiện hữu trong mẫu hợp đồng mới, nhưng bị phân tách nhỏ lẻ thành nhiều điều khác nhau, khiến nhà đầu tư khó định nghĩa và hiểu rõ hơn so với hợp đồng cũ.

Bên cạnh đó, hợp đồng mới cũng “chặn họng” nhà đầu tư theo đúng nghĩa đen khi quy định: Đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu chủ đầu tư “nói xấu, phát ngôn tiêu cực, lôi kéo nhà đầu tư khác qua các công ty hoạt động cùng lĩnh vực”… khi công ty chậm trả lãi hoặc có vấn đề phát sinh.

Nguy cơ Bankland 2.0?

Trên trang chủ https://daututamlocphat.com/ của mình, Tâm Lộc Phát giới thiệu hiện đang hoạt động gồm Truyền thông & Tổ chức sự kiện; Kinh doanh bất động sản; Kinh doanh chuỗi cafe nghệ sỹ; Kinh doanh công nghệ 4.0; Kinh doanh hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp; Kinh doanh kênh truyền hình: TÂM LỘC PHÁT TV; Kinh doanh hệ thống taxi du lịch; Kinh doanh trang điện tử: doanhnghiepvadoisong.com.vn

Khi đặt vấn đề đầu tư với một nhân viên sale của Tâm Lộc Phát tên Thành, Thành lập lờ và không làm rõ nội dung đầu tư vào các mảng hoạt động, mà chỉ hướng nhà đầu tư đến việc rót tiền thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tâm Lộc Phát.

Tuy nhiên, kiểm tra 8 mảng kinh doanh trên của Tâm Lộc Phát, hầu hết đều không có thông tin, ngoài những lời giới thiệu từ chính Tâm Lộc Phát.

Trái ngược với thông tin kinh doanh khá mù mờ, việc mở các chi nhánh của Tâm Lộc Phát lại được quảng bá rất rầm rộ. Đến nay, Tâm Lộc Phát đã có tới 59 văn phòng đại diện trên cả nước.

Điều này tạo liên tưởng tới cách mà Bankland đã làm: Liên tục mở mới các chi nhánh để duy trì dòng tiền từ những "nhà đầu tư", mà nhiều trường hợp quyết định "xuống tiền" chỉ vì bị thuyết phục bởi những quảng cáo về mức lãi "khủng".

Một trường hợp khác là những "nhà đầu tư phong trào", tới dự sự kiện "cho vui" hoặc hơi tò mò. Nhưng trong không khí hừng hực của các buổi lễ, chứng kiến những màn "góp vốn"-"trả lãi" ngay tại chỗ... đã bị kích thích mà quyết định tham gia mà không biết rằng rất có thể tiền trả lãi ấy được lấy từ chính những người vừa mới tham gia trước mình.

Trước khi vụ Bankland bị khởi tố, đã có rất nhiều thông tin cảnh báo về những dự án “vẽ”, những lãi suất "ảo" cũng như nguy cơ vỡ hệ thống khi không duy trì được dòng tiền để "lấy của người sau trả cho người trước"... Nhưng rồi các lãnh đạo của Bankland cũng đã kịp lôi kéo 4.000 người vào bẫy với con số thiệt hại lên tới 400 tỷ đồng trước khi bị bắt. 

Câu hỏi là những doanh nghiệp cũng hoạt động theo mô hình Bankland sẽ còn duy trì được đến bao lâu, con số người bị hại liệu có dừng ở 4.000, số tiền ở mức 400 tỷ hay sẽ còn khủng khiếp hơn nữa!?

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…