Tham gia chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI; PGS.TS Lê Tuấn Anh, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội; bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai; ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – HBA…
DOANH NGHIỆP VIỆT ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI VÀNG
Tại Chương trình Bữa sáng Doanh nhân, PGS.TS Lê Tuấn Anh, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khẳng định vai trò tích cực của hai hiệp hội VACOD-HBA trong các hoạt động hợp tác gần đây với ĐHQGHN. Đặc biệt, hai hiệp hội đã góp phần tạo nên thành công của chương trình Triển lãm Giáo dục Đại học Trung Quốc 2025 tại ĐHQGHN vừa qua.
PGS.TS Lê Tuấn Anh cho biết, ĐHQGHN đã triển khai thành công mô hình "ba nhà" gồm ĐHQGHN - doanh nghiệp FDI – cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc nhằm tạo cơ hội du học, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến cho người trẻ.
Bên cạnh đó, ông đặt ra vấn đề mở rộng mô hình này đối với các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ tiếp cận công nghệ cao từ nước ngoài thông qua ĐHQGHN và các đối tác quốc tế. “Nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tiếp cận công nghệ cao từ nước ngoài, ĐHQGHN Nội mong muốn trở thành một cổng kết nối quan trọng cho doanh nghiệp có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua mạng lưới đối tác và viện nghiên cứu của ĐHQGHN. Hơn thế nữa, các nhà khoa học sẽ đồng hành, hỗ trợ tiếp nhận và điều chỉnh những công nghệ này sao cho phù hợp nhất với điều kiện và môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói.
Ông cũng chia sẻ về chuyến thăm Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm hồi tháng 5/2025, trong đó có sự tham gia của Giám đốc ĐHQGHN. Đoàn công tác đã làm việc với một số trường đại học Nga, tiêu biểu là Trường Kinh tế cao cấp – một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu. Trường này hiện có nhu cầu chuyển giao các công nghệ cao cho Việt Nam thông qua ĐHQGHN và các doanh nghiệp Việt Nam, với mong muốn Việt Nam sẽ sở hữu những công nghệ tương tự trong 5-10 năm tới.
Các công nghệ cụ thể được đề cập bao gồm thiết bị đo lường mạng truyền thông, công nghệ đồng bộ và xác định thời gian thực, công cụ giám sát hệ thống, công nghệ truyền thông di động, quản lý hạ tầng mạng, công nghệ định vị và điều hướng cho phương tiện không người lái (máy bay không người lái, thiết bị lặn không người lái), cùng hệ thống quản lý năng lượng và giám sát trong ngành năng lượng. Đây là những lĩnh vực công nghệ cao mà phía Liên bang Nga sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
PGS.TS Lê Tuấn Anh thông tin về một chương trình hợp tác khác giữa ĐHQGHN và Học viện Tổng thống Liên bang Nga (trước đây là trường đào tạo cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Liên Xô, nay trực thuộc Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận danh hiệu “Giáo sư danh dự” của Học viện).
Chương trình này tập trung vào áp dụng chuyển đổi số trong quản lý doanh nghiệp và địa phương, dự kiến triển khai vào tháng 11 năm nay. ĐHQGHN và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng tham gia chương trình trên hoàn toàn miễn phí. Chính vì vậy, ông mong muốn TS Nguyễn Hồng Sơn và văn phòng VACOD-HBA hỗ trợ quảng bá thông tin đến các doanh nghiệp thành viên quan tâm, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận những cơ hội hợp tác quốc tế mới, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đại.
Cũng trong khuôn khổ chương trình Bữa sáng Doanh nhân, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội điểm lại những vấn đề nổi bật của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV. Ông Thi nhấn mạnh đây là một kỳ họp mang tính lịch sử với nhiều quyết sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bứt phá của đất nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Thi đánh giá Kỳ họp thứ 9 đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, thông qua 34 luật và 34 nghị quyết, kỷ lục từ trước đến nay. Kỳ họp kéo dài 35 ngày, tập trung vào việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp, đặc biệt là việc xây dựng chính quyền hai cấp và các vấn đề liên quan đến Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Ông nhấn mạnh tinh thần làm việc khẩn trương “làm ngày làm đêm, kể cả ngày nghỉ, thậm chí tới 2-3 giờ sáng” của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan, với hàng chục dự án luật được thông qua chỉ trong một kỳ họp thay vì hai kỳ như thông lệ trước đây, đặt ra áp lực lớn cho các cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra.
Đáng chú ý, ông Thi cho biết Quốc hội đã đẩy nhanh việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật. Chỉ riêng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì thẩm tra tới 8 dự luật trong kỳ họp này, tập trung vào việc cụ thể hóa “bộ tứ chiến lược” quan trọng của Bộ Chính trị.
“Các dự án luật mới đều quán triệt tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhằm tối đa hóa sự thông thoáng và thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ví dụ, trong Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đã mở rộng sự tham gia của tư nhân vào các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử như phòng khám X-quang, thiết bị y tế hay nông nghiệp. Tương tự, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới cũng đã dỡ bỏ nhiều rào cản, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia và dự án của Nhà nước”, ông Thi khẳng định.
Về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quốc hội đã thông qua: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Các luật này tập trung vào việc đơn giản hóa thủ tục, chuyển từ kiểm soát đầu vào sang kiểm soát đầu ra, đồng thời cân bằng giữa kiến tạo phát triển và sự kiểm soát của Nhà nước để ngăn chặn lạm dụng và làm sai lệch chính sách.
Ông Thi nêu bật những điểm mới trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, bao gồm việc áp dụng cơ chế nghiên cứu thử nghiệm có kiểm soát, chấp nhận đầu tư mạo hiểm và rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Luật này cũng làm rõ hơn cơ chế sở hữu trí tuệ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, cũng như phân chia lợi nhuận. Ông khuyến khích doanh nghiệp thành lập các quỹ nghiên cứu riêng và tự quyết định cơ chế hoạt động của quỹ.
“Các thể chế mới đã tạo điều kiện tối đa để các nhóm nghiên cứu tham gia vào các hoạt động khoa học. Đặc biệt, chúng tôi muốn khuyến khích doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, tích cực hơn nữa.Trong đó, các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, từ khâu nghiên cứu cho đến chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, cần phải được thực hiện một cách nhanh nhất. Quan trọng hơn, cơ chế phân chia lợi nhuận từ các sản phẩm nghiên cứu cũng cần được làm rõ ràng hơn trong luật lần này. Mọi cơ chế được luật hóa để đảm bảo sự minh bạch. Bởi vì, nếu cơ chế không rõ ràng, các nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ không dám thực hiện”, ông Thi nêu cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình chuyển mình của đất nước. Ông Thi mong các doanh nghiệp, đặc biệt là thành viên của VACOD-HBA, sẽ là những người tiên phong trong việc thực thi luật và đưa luật vào cuộc sống. Ông cũng hy vọng hai Hiệp hội sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh. Mục tiêu chung là để người dân và người tiêu dùng được hưởng lợi từ thành quả phát triển, góp phần đưa đất nước tiến lên.
“Qua những thông tin của TS Nguyễn Hồng Sơn nhiều lần đề cập, tôi biết được VACOD-HBA đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ giá trị với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt xoay quanh "bộ tứ chiến lược" của Trung ương. Chúng tôi đánh giá cao những sáng kiến này vì chúng mang lại hiệu quả thiết thực và được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực”, ông Tạ Đình Thi nói.
VACOD-HBA KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN NGUỒN LỰC NHÀ NƯỚC
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cảm ơn các vị khách mời đã chia sẻ những thông tin hết sức bổ ích với doanh nghiệp. Ông Sơn đặc biệt ghi nhận nỗ lực làm việc không ngừng của các nhà lập pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhấn mạnh mức độ tích cực không kém gì hoạt động sản xuất sôi nổi của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch VACOD-HBA tái khẳng định mối quan hệ gắn bó lâu dài và toàn diện giữa hai Hiệp hội và ĐHQGHN. “HBA đã ký thỏa thuận hợp tác với ĐHQGHN từ rất sớm, ngay từ đầu những năm 2010. Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác toàn diện và tích cực, đặc biệt là trong việc gắn kết các đơn vị của Đại học Quốc gia với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Chúng tôi luôn sẵn sàng và tiếp tục mọi sự hợp tác cũng như gắn kết với các hoạt động chung của Đại học Quốc gia. Trong đó, những nội dung liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn được chúng tôi giải quyết một cách phù hợp”, Chủ tịch Sơn nhấn mạnh.
Về việc triển khai Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, thông qua các Nghị quyết 193 và 198 của Quốc hội, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết các văn bản này đã thể chế hóa cụ thể hơn các nội dung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Riêng đối với Nghị quyết 57, cùng với việc sửa đổi Luật Khoa học, Công nghệ (nay bổ sung thêm nội dung đổi mới sáng tạo), đã có những quy định cụ thể hơn để doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chủ tịch Sơn nêu rõ vai trò tiên phong trong quá trình góp ý xây dựng và phổ biến pháp luật từng được thể hiện rất rõ rệt qua hoạt động của hai hiệp hội. Minh chứng là việc Hiệp hội đã liên tục tổ chức các hội thảo về Luật Đất đai ngay trước khi luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2024, tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào Nghị quyết 57 từ giai đoạn dự thảo ban đầu, cũng như đóng góp chính thức vào việc xây dựng Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân trong buổi gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm. Đối với Nghị quyết 198, đích thân Chủ tịch Sơn đã tham dự phiên họp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội để thảo luận cho ý kiến về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, đối với việc triển khai những ý kiến đóng góp cho các quyết sách này, trước đó hai hiệp hội đã dự kiến tổ chức chương trình Hội nghị, hội thảo vào đầu tháng 6 tại Bình Thuận, tuy nhiên do yếu tố khách quan nên buộc phải hoãn lại.
Nhân đây, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn chính thức thông báo VACOD-HBA đang lên kế hoạch tổ chức một Hội nghị quan trọng vào tháng 9 tới (dự kiến cũng được tổ chức tại Bình Thuận, sau sáp nhập nay là tỉnh Lâm Đồng, có thể kết hợp với Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10).
“Hội nghị này sẽ lấy hai Nghị quyết 57 và 68 làm “xương sống”, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng tiếp cận nguồn lực của Nhà nước. Tôi mong muốn Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ cử chuyên gia về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến tham gia, bình luận và đánh giá về những điểm mới mà doanh nghiệp có thể thụ hưởng”, ông hé lộ về nội dung chính của chương trình hội nghị.
Đề cập đến những thách thức trong việc triển khai các nghị quyết, ông Sơn nhận định trước nay các tổ chức khoa học công nghệ thường yêu cầu doanh nghiệp đặt ra bài toán, sau đó mới tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, người đứng đầu VACOD-HBA cho rằng cách tiếp cận này chưa phù hợp, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không có cán bộ chuyên trách về khoa học công nghệ hoặc bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) riêng để đưa ra các đề xuất cụ thể.
Thay vào đó, TS Nguyễn Hồng Sơn đề xuất các tổ chức khoa học công nghệ cần chủ động vào cuộc tìm hiểu, khảo sát doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp xây dựng "đề bài" hoặc "đặt hàng" nghiên cứu. Để hiện thực hóa sớm đưa thể chế vào thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, Chủ tịch Sơn đã chỉ định một số doanh nghiệp tham gia thí điểm làm đầu mối để các tổ chức khoa học công nghệ (như ĐHQGHN và Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ ) triển khai nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn, ông gợi ý việc áp dụng công nghệ máy bay không người lái để quản lý nông sản cho vườn sâm Ngọc Linh của Công ty Nghị Gia, hay phát triển thêm sản phẩm trong chuỗi logistics cho một công ty kinh doanh logistics.
Chủ tịch VACOD-HBA khẳng định việc nghiên cứu sẽ được tài trợ hoàn toàn bằng nguồn vốn nhà nước từ Nghị quyết 57 và 68. Đối với phần đầu tư trang thiết bị, doanh nghiệp có thể được vay vốn ưu đãi với lãi suất hỗ trợ, có thể thế chấp chính tài sản đầu tư để vay ngân hàng. Ông khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu, cải tiến công nghệ đăng ký với văn phòng Hiệp hội để được kết nối với các tổ chức khoa học công nghệ. Các tổ chức này sẽ cử chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu xây dựng đề bài, đặt hàng cho đến việc hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước.
Đại diện phía các doanh nghiệp, TS. Lê Văn Nghị, Chủ tịch Thương hiệu Sâm Ngọc Linh Nghị Gia – một trong những hội viên đang thí điểm hợp tác với ĐHQGHN chia sẻ về quá trình ứng dụng công nghệ để nâng tầm sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Về mô hình kinh doanh, TS Nghị giới thiệu, vườn sâm Ngọc Linh được Nghị Gia bắt đầu phát triển từ năm 2018 tại Kon Tum. Mới đây, ông cùng các cộng sự đã chuyển toàn bộ vườn sâm lên độ cao 1.860 mét so với mực nước biển, cao hơn 300 mét so với vườn cũ (1.560 mét). Lý do của việc di chuyển này là để đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất cho sâm Ngọc Linh, bởi khu vực mới nằm trong rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi, có độ che phủ tán rừng lên đến 80%, giúp sâm không bị nắng quá gắt và được hưởng không khí trong lành, áp suất không khí lý tưởng.
Về công cuộc chuyển đổi số, ông Nghị cho biết, ông đã có buổi làm việc với TS. Vũ Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội và một chuyên gia công nghệ khác của ĐHQGHN. Sau buổi gặp đầu tiên, hai bên đã thống nhất lịch gặp gỡ lần thứ hai để đi sâu vào việc số hóa quy trình quản lý cây sâm Ngọc Linh, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. “Sự hợp tác này hết sức thiết thực và cụ thể, đang tiến tới giai đoạn đặt hàng chính thức để ĐHQGHN thực hiện đề tài nghiên cứu cho doanh nghiệp của tôi. Tôi tin rằng nếu đề tài này thành công, nó sẽ tạo tiền đề quan trọng cho nhiều sản phẩm nông sản khác của Việt Nam”, ông đánh giá.
Ông Nghị thẳng thắn trình bày những khó khăn đặc thù của sâm Ngọc Linh, vốn được trồng và chăm sóc trên núi có độ cao hơn 2.000 mét, và đặc biệt là đặc tính "ngủ đông" dưới lòng đất khiến việc quản lý trở nên phức tạp. Chính những khó khăn này trở thành bài toán để các nhà khoa học tìm giải pháp khắc phục, thậm chí đã thảo luận về công nghệ có thể quan sát được sâm khi chúng đang nằm dưới đất.
Cũng nhờ những đóng góp của các vị chuyên gia, ngoài phát triển vườn Sâm Ngọc Linh, Nghị Gia cũng tiến tới giới thiệu về các tour du lịch trải nghiệm, tham quan trực tiếp vườn sâm, nơi du khách có thể khám phá vẻ đẹp của rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi và những câu chuyện kỳ thú trên hành trình tới vườn sâm quý.
TS. Lê Văn Nghị tái khẳng định quyết tâm hợp tác và tin tưởng vào sự đồng hành của các nhà khoa học, đặc biệt là một chuyên gia công nghệ, Nghị Gia sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để cụ thể hóa đề tài nghiên cứu. Ông cũng cảm ơn sâu sắc Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và văn phòng hai hiệp hội đã tạo điều kiện, kết nối doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, giúp doanh nghiệp giải những bài toán khó đã tồn tại rất lâu. Điều này sẽ tạo thêm động lực để doanh nghiệp tự tin tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của quốc gia.