Sự kiện do Công ty Reed Tradex Việt Nam phối hợp với Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Văn phòng tại Hà Nội và Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) Bộ Công Thương tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Đức, Nga, Ấn Độ…
Xuyên suốt ba ngày từ 15-17/09/2021, Triển lãm trực tuyến VME & SIE đã mang đến các hoạt động giao thương thiết thực như chuỗi hội thảo tư vấn chuyên đề, các bản tin cập nhật công nghệ tiên tiến nổi bật từ các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và đặc biệt là chương trình hỗ trợ tư vấn hoàn toàn miễn phí “Tọa đàm sáng kiến doanh nghiệp 2021”. Chương trình trực thuộc Dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp do Công ty Reed Tradex khởi xướng từ năm 2020 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vực dậy trong và sau đại dịch Covid-19.
Triển lãm đã thu hút hơn 2.500 khách tham quan từ Việt Nam và hơn 1.000 khách từ các nước trong khu vực châu Á đăng ký tham gia.
Hiện nay, trước tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm là khi tiến trình tự động hóa đã và đang thâm nhập thị trường, làm thế nào ngành công nghiệp sản xuất và ngành công nghiệp hỗ trợ có thể kịp thời thay đổi, tạo nên biến chuyển đột phá, đưa Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp trọng điểm trong khu vực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, nhấn mạnh: “Triển lãm SIE 2021 được tổ chức với mục đích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản và cải thiện việc cung ứng linh kiện, phụ tùng.
Tại 2 lần triển lãm trước (năm 2017 và năm 2019) được tổ chức ở Hà Nội đã có 136 doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia với hơn 8.500 vụ đàm phán thương mại, tổng giá trị của hợp đồng là 3,8 triệu USD.
Năm 2021, phía doanh nghiệp Nhật Bản có 12 doanh nghiệp lớn và 8 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực máy móc vận chuyển, điện, điện tử và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất gia công (dập, khuôn, gia công mạ…).
“Tất cả đều là doanh nghiệp sản xuất có nguyện vọng nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam”, ông Takeo Nakajima khẳng định và cho biết thêm: Về phía doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có năng lực đã được đăng tải trong “Tuyển tập doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo khu vực phía Bắc và Trung Bộ” của JETRO, với 30 doanh nghiệp lần đầu tham gia. Sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp xuất sắc và cả những doanh nghiệp mới của Việt Nam và Nhật Bản đã mang đến nhiều mối quan hệ hợp tác mới cho các doanh nghiệp”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trong lễ khai mạc nhận định: VME & SIE 2021 tiếp tục mang đến những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn Ban tổ chức sẽ tiếp tục duy trì, tạo cơ hội cho doanh nghiệp các bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và hợp tác với nhau thông qua các chương trình triển lãm, hội thảo và kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến trong tương lai”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.