Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm qua, đã tiếp nhận 140.903 đơn sở hữu công nghiệp các loại, tăng 7,1% so với năm trước. Trong đó, gồm 78.086 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và 62.817 các loại đơn và yêu cầu khác; lần lượt tăng 3,3% và 12,1%.
Trong số 78.086 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có 9.308 đơn sáng chế/giải pháp hữu ích, 3.344 đơn kiểu dáng công nghiệp, 56.050 đơn nhãn hiệu quốc gia và 9.068 đơn nhãn hiệu quốc tế, 22 đơn chỉ dẫn địa lý và 294 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ đã xử lý được 113.906 đơn các loại. Bao gồm, 65.466 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, giảm 12,2% so với năm trước và 48.440 đơn/yêu cầu khác, tăng 3,4%; cấp 42.279 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, tăng 8,3% so với.
Đồng thời kết thúc xử lý 1.572 đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, tăng 18% so với năm trước.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, mặc dù kết quả xử lý đơn đã được cải thiện, nhưng tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp vẫn còn nhiều. Đặc biệt, tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Liên quan đến công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã có 1.430 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỷ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng số tiền phạt so với năm trước (1.109 vụ với tổng số tiền phạt là gần 13,3 tỷ đồng).
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cung cấp 219 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền; tham gia 9 vụ kiện tại tòa án và tham gia Ban thường trực Chương trình phối hợp hành động chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quốc gia.
Tại hội nghị về sở hữu trí tuệ năm 2023 vừa diễn ra, Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, trong tình hình hiện nay, khi tính hiệu quả của công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc đàm phán để ký kết đang có xu hướng đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, thì vấn đề cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ có tính cấp bách.
Theo đó, để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về sở hữu công nghiệp đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp các cấp.