Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhìn từ vụ làm nhái BIA SAIGON

Vụ làm nhái BIA SAIGON của Tổng công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (SABECO) là vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đầu tiên ở nước ta có bị cáo là pháp nhân thương mại, đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng được dư luận quan tâm...

Theo bản án, ông Lê Đình Trung 56 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (có trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226 Bộ Luật hình sự do đã thực hiện hành vi giả mạo các nhãn hiệu “BIA SAIGON” và “BIA SAIGON, hình con rồng” đang được bảo hộ và đủ điều kiện coi là nhãn hiệu nổi tiếng của SABECO.

Nhãn hiệu đang trong quá trình xem xét, bị phản đối, chưa được bảo hộ nhưng vẫn đưa vào sử dụng để sản xuất hàng hóa.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi nghỉ việc ở SABECO, tháng 5/2019, ông Trung cùng với một số người thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam.

Ông Trung nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu BIA SAIGON VIETNAM tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cục này chấp nhận đơn hợp lệ đối với kiểu dáng công nghiệp ngày 15/7, đối với nhãn hiệu ngày 12/8/2019 và đăng công báo. Công ty SABECO đã nộp yêu cầu phản đối cấp văn bằng bảo hộ cho đơn nhãn hiệu BIA SAIGON VIETNAM vào ngày 05/11/2019.

Dù biết là SABECO đã phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu vì tương tự tới mức khó phân biệt với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của SABECO, và chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam đã đặt hàng cơ sở sản xuất bia BiVa để sản xuất sản phẩm bia lon mang thương hiệu "BIA SAIGON VIETNAM" để bán ra thị trường với quy mô thương mại.

Ngày 23/6/2020, cơ quan quản lý thị trường phát hiện hơn 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia mang nhãn hiệu "BIA SAIGON VIETNAM" tại cơ sở sản xuất bia BiVa nên tạm giữ số tang vật và chuyển cơ quan công an thụ lý vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của SABECO. Theo kết luận định giá tài sản số: 68/KL-HĐ ĐGTS, ngày 14/9/2022 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các hóa đơn xuất bán hàng hóa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam thì tổng trị giá số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu do Cơ sở sản xuất Bia Biva sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam là 1.472.250.600 đồng.

Bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án làm nhái BIA SAIGON
Hình ảnh tại phiên tòa xét xử vụ án làm nhái BIA SAIGON

Những tranh cãi về pháp lý

Một trong những vấn đề được Hội đồng xét xử (HĐXX) và các luật sư tập trung làm rõ là việc Bia Sài Gòn có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không?

Trả lời câu hỏi của các luật sư, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập thông qua quá trình sử dụng thực tế, được thị trường và người tiêu dùng biết đến rộng rãi, mà không cần đăng ký.

Chủ tọa yêu cầu đại diện Cục Sở hữu trí tuệ làm rõ các tiêu chí cụ thể. Bởi nếu chỉ dựa vào việc người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thì tất cả các nhãn hàng đều cho rằng nhãn hàng của mình nổi tiếng. Chủ tọa cũng dẫn quy định về hai quy trình để một nhãn hiệu được xem là nhãn hiệu nổi tiếng. Một là khi thông qua tố tụng dân sự (tức tòa án công nhận nhãn hiệu này là nổi tiếng), hoặc hai là theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, tiêu chí để xác định nhãn hiệu nổi tiếng đã được quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn. Quy định về việc ghi nhận vào danh sách nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên là để Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các thông tin về nhãn hiệu nổi tiếng đã được công nhận trong thực tế.

Trước đó, trong văn bản trả lời tòa, Cục Sở hữu trí tuệ xác định nhãn hiệu BIA SAIGON đủ điều kiện công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng. Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết rằng do quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập không qua thủ tục đăng ký nên không có thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ cũng chưa có có danh sách ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, vị này vẫn khẳng định BIA SAIGON là nhãn hiệu nổi tiếng theo các tiêu chí luật định.

Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho pháp nhân Công ty Cổ phần tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam) cho rằng câu trả lời của đại diện Cục Sở hữu trí tuệ là mâu thuẫn. Bởi trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản phản hồi tòa án, trong đó cục cho rằng khi tòa giải quyết xong vụ án thì hồi đáp để cục biết kết quả giải quyết như thế nào để cục ghi nhận nhãn hiệu này vào danh sách nhãn hiệu nổi tiếng.

Đại diện của SABECO và Luật sư bảo vệ của SABECO cho biết SABECO đã cung cấp hồ sơ tài liệu chi tiết chứng minh nhãn hiệu của SABECO là nổi tiếng theo quy định mà không cần phải qua một thủ tục đăng ký hay công nhận nào. Luật sư nhận định quy định của thông tư về “ghi nhận” nhãn hiệu nổi tiếng nhằm giúp thuận tiện cho việc tham khảo thông tin trong quá trình thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà không phải là căn cứ để xác lập nhãn hiệu nổi tiếng vì luật đã quy định rõ Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký (khoản 2, Điều 6, Luật SHTT).

BIA SAIGON thật và BIA SAIGON giả
BIA SAIGON thật và BIA SAIGON giả

Những vấn đề đặt ra

Hiện nay hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hoá phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí.

Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu, linh kiện để sản xuất hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn, không có sự đầu tư về kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.

Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tiêu thụ ở các địa điểm, khu vực, trung tâm, cửa hàng buôn bán hàng hoá, ở cả thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Đối với người tiêu dùng, họ đang là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết là thiệt hại về kinh tế. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người sử dụng vì đó là những hàng hoá không đảm bào chất lượng, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do tệ nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm lu mờ hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chi gây thiệt hại về mặt kinh tế mà nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung; doanh nghiệp có thể bị phá sản, người lao động mất việc làm.

Do đó, để bảo vệ cho mình ngoài các biện pháp nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật, hàng giả; có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng giả, hàng nhái; không ngừng tìm tòi, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.

Với người tiêu dùng, phần lớn họ nhìn nhận viêc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp như là chuyện riêng của Chính phủ và doanh nghiệp, không liên quan gì đến mình. Nhưng, những suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm và sẽ gây ảnh hưởng ngược bất cứ lúc nào không lường trước được. Vì thế, lời khuyên với người tiêu dùng là bất cứ khi nào phát hiện một sản phẩm nghi ngờ bị làm giả cần báo ngay cơ quan chức năng để có hướng giải quyết.

Có thể bạn quan tâm