Hơn 18 tấn hồ tiêu, cà phê xuất khẩu nghi bị mất tại cảng Cát Lái

Sau khi phát cảnh báo về việc các lô hàng bị rút ruột, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vào cuộc điều tra và có phương án đền bù thiệt hại...

Số lượng hàng thiếu hụt ước tính khoảng 18,57 tấn cà phê và hồ tiêu
Số lượng hàng thiếu hụt ước tính khoảng 18,57 tấn cà phê và hồ tiêu

Ngày 11/6, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã có văn bản về việc thiếu hụt hàng hóa khi xuất khẩu của một số doanh nghiệp và những nghi ngờ có cơ sở gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Cụ thể, VPSA nêu rõ, những cải tiến không ngừng trong hệ thống vận hành của cảng trong những năm qua đã góp phần rất lớn vào sự thành công trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiệp hội liên tục nhận được phản ánh của các hội viên về việc đối tác nhập khẩu thông báo tình trạng thiếu hụt một lượng hồ tiêu và cà phê được phát hiện tại cảng đích so với hợp đồng đã ký kết trước đó.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, phiếu cân container có hàng tại nhà máy và phiếu cân hàng lúc vào cảng là trùng khớp. Do đó, doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng hóa bị mất trong thời gian container hạ bãi chờ xuất.

Các chứng từ liên quan khác cũng được doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để chứng minh hàng hóa được niêm phong và đảm bảo an toàn từ lúc hàng được đóng vào container tại nhà máy cho đến lúc container vào cảng.

Tới thời điểm hiện tại có 5 doanh nghiệp thông tin trong quá trình xuất khẩu xảy ra tình trạng doanh nghiệp cân hàng đủ nhưng khi hàng tới cảng, nhà nhập khẩu kiểm tra, phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với hợp đồng. Trọng lượng container hàng đã bao gồm hàng hóa bên trong cũng giảm so với số trọng lượng container được cân khi vào cảng.

Bảng tổng hợp của VPSA cho thấy, lượng hàng thiếu hụt ước tính khoảng 18,57 tấn cà phê và hồ tiêu, chiếm từ 7 - 28% tổng lượng hàng, đều cùng một cảng hạ tại Cát Lái và đều nằm tại cảng trong một thời gian do tàu bị hoãn. Các trường hợp bị mất hàng diễn ra từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024.

luong-hang-mat-1689.jpg
Bảng tổng hợp số liệu hàng hóa bị mất (Nguồn: VPSA)

Tình trạng mất hàng không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tài chính cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp phải đền bù hoặc bị phạt theo quy định hợp đồng mà còn ảnh hưởng đến các hợp đồng tương lai của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung bị sụt giảm trên thị trường quốc tế.

Với những nghi ngờ có cơ sở từ các doanh nghiệp thành viên, VPSA đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tăng cường chỉ đạo giám sát, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đảm bảo an toàn hàng hóa của doanh nghiệp khi lưu tại cảng.

Đối với những trường hợp báo cáo mất hàng trên, hiệp hội đề nghị các đơn vị vào cuộc, làm việc với các bên liên quan để điều tra vụ việc và phản hồi bằng văn bản, có phương án đền bù thiệt hại việc bị mất hàng nếu sự việc xảy ra thuộc chức năng và trách nhiệm của cảng.

Trước đó, ngày 7/6, VPSA đã phát đi cảnh báo về tình trạng một số thành viên của hiệp hội bị mất một phần khối lượng hàng hóa xuất khẩu.

Theo đó, nhà nhập khẩu phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với số lượng ký hợp đồng thực tế. Trong khi đó, khối lượng container bao gồm hàng hóa bên trong theo phiếu cân tại cảng đều thể hiện hàng hóa đủ khối lượng tại thời điểm hạ tại cảng.

Kết quả điều tra nội bộ cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu. Việc thiếu hụt hàng hóa này đã làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế và khách hàng với hệ thống logistics và vận tải biển của Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí hơn để tăng cường an ninh, bảo hiểm hàng hóa và xử lý các vụ mất hàng.

Để có cơ sở thông tin kiến nghị với các cơ quan chức năng và làm việc với các cảng vụ, VPSA đã đề nghị các doanh nghiệp có hiện tượng mất hàng hóa xuất khẩu cung cấp thông tin để hiệp hội tổng hợp và báo cáo các cơ quan Bộ, ngành xem xét.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...